Kết quả xét nghiệm máu, xét nghiệm tế bào ung thư trong máu giúp chẩn đoán sớm một số chứng ung thư: cổ tử cung, vòm họng, trực tràng, ung thư phổi tuy nhiên kết quả chỉ mang tính chất tham khảo & cần thời gian kiểm tra.
- Kết quả xét nghiệm máu & nước tiểu cho biết điều gì?
- Bảng giá xét nghiệm tại bệnh viện Hòa Hảo
Kết quả xét nghiệm bệnh ung thư treo án tử hình” cho người bệnh
Trong một lần khám sức khỏe tại cơ quan, kết quả xét nghiệm máu tìm dấu hiệu sinh học ung thư của chị Lam Thanh (31 tuổi, quận 3, TP HCM) là: chỉ số CA 125 (dấu hiệu sinh học ung thư buồng trứng) tăng quá ngưỡng cho phép.
Bình thường chỉ số này dưới 35 U/ml, nhưng kết quả cho biết CA 125 của chị tăng lên đến 294 U/ml. Bác sĩ đề nghị chị phải đến bệnh viện khám và làm thêm một số xét nghiệm khác.
Kết quả xét nghiệm máu lần hai cho thấy, chỉ số CA của chị giảm còn hơn 100 U/ml, siêu âm buồng trứng chưa phát hiện bất thường. Chị lo lắng mất ăn mất ngủ và cho rằng có thể CA 125 tăng do chị hay uống sữa đậu nành, ăn tàu hũ, dầu đậu nành… nên chị bỏ không ăn những thực phẩm này nữa. Chị cũng không dám ăn thịt nhiều và những món nướng mà chị rất thích.
Sáu tháng sau, chị đến bệnh viện xét nghiệm lại và chỉ số này giảm còn 61 U/ml. Sau một thời gian kiêng cữ, ngày 3/8/2006, chị đến Bệnh viện Ung bướu TP HCM để xét nghiệm máu lần nữa thì kết quả CA 125 vọt lên 293 U/ml. Chị Lam Thanh lo lắng không biết mình có bị ung thư buồng trứng hay không. Tại sao cái chỉ số này cứ “nhảy nhót” lên xuống như vậy.
Tương tự, anh Quý (43 tuổi, quận Bình Thạnh) bất ngờ và lo lắng khi kết quả xét nghiệm máu tìm dấu hiệu sinh học ung thư ung thư ruột già, còn gọi là ung thư ruột kết hay ung thư đại tràng được thông báo “vượt ngưỡng” cho phép (<3ng/ml).
Tuy chỉ ở mức 0,1 – 0,2ng/ml nhưng anh Quý chuyển sang chế độ ăn chay gần như hoàn toàn. Anh bỏ hẳn bia rượu, không ăn thịt, mỡ, chuyển sang ăn gạo lức muối mè… Sau một thời gian “chay tịnh”, anh gầy thấy rõ.
Nhiều bệnh nhân khi nhận được kết quả xét nghiệm thông báo dấu hiệu sinh học ung thư quá mức cho phép cũng đều nghĩ là mình đã bị ung thư. Có người chạy khắp các bệnh viện, cứ một hai tháng lại đi xét nghiệm máu, siêu âm, kể cả chụp CT scanner một lần để xem “nó” tăng, giảm. Người sợ quá thì “trốn” luôn bác sĩ, không dám đi bệnh viện khám hoặc làm lại xét nghiệm… vì sợ “sự thật phũ phàng”.
Những lo lắng của bệnh nhân có khi xuất phát từ việc nhiều bệnh viện làm xét nghiệm máu để phát hiện dấu hiệu sinh học ung thư, nhưng kết quả thường chỉ là những con số lạnh lùng, ít khi có lời giải thích tường tận từ thầy thuốc. Vì vậy, nếu một nhân viên y tế nào đó vô tình “phang” một câu “vậy là ung thư rồi” thì chẳng khác nào “treo án tử hình” cho người bệnh.
Xét nghiệm máu chỉ có giá trị tham khảo
Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM, cho biết, dấu hiệu sinh học ung thư là các chất được tìm thấy trong máu, nước tiểu hay các loại mô của bệnh nhân, thể giúp việc phát hiện và chẩn đoán một số loại ung thư. Tuy nhiên, nếu chỉ đo các dấu hiệu này thôi thì chưa đủ để chẩn đoán bệnh vì nó có thể lên cao ở người bị bệnh lành tính hay không tăng ở người bệnh ung thư, nhất là khi bệnh ở thời kỳ sớm.
Có nhiều yếu tố có thể tác động đến kết quả xét nghiệm tìm dấu hiệu sinh học ung thư như bệnh nhân hút thuốc lá nhiều, đang bị bệnh viêm nhiễm nào đó, đang dùng thuốc, có thai, kinh nguyệt, thậm chí có thể do trục trặc kỹ thuật của phòng xét nghiệm (thuốc thử nhạy quá)…
Vì vậy, xét nghiệm máu để tìm dấu hiệu sinh học ung thư chỉ là một biện pháp kỹ thuật bổ sung phương tiện cho thầy thuốc nhằm phát hiện sớm ung thư và theo dõi sự tiến triển của ung thư khi bệnh nhân đã và đang điều trị, giúp bác sĩ định phác đồ điều trị phù hợp cho bệnh nhân trước khi điều trị ung thư.
Tốt nhất, bệnh nhân nên đến bác sĩ chuyên khoa (ung bướu, niệu, sản phụ khoa…) để chia sẻ sự lo lắng, để được khám và rà tìm nguyên nhân bằng những xét nghiệm chẩn đoán cận lâm sàng khác (nội soi sinh thiết, siêu âm, MRI, CT Scanner, X-quang…) giúp phát hiện bệnh sớm hoặc loại trừ không phải bị ung thư.
Cũng theo bác sĩ Chấn Hùng, ngay cả khi không có những xáo trộn sinh học thì vẫn nên giữ chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân bằng. Tốt nhất nên ăn nhiều loại rau củ quả, trái cây tươi có nhiều chất độn (xơ), ăn ít chất béo, nhất là chất béo động vật, giảm ăn thịt động vật. Tuy vậy, nếu kiêng quá mức cũng không có lợi cho sức khỏe. Ngoài ra, không để cho cơ thể béo phì, tăng cường vận động ít nhất mỗi ngày 30 phút, chơi thể thao, tập dưỡng sinh… cũng là những biện pháp rất hiệu quả để phòng ngừa ung thư.
“Nếu chỉ vì dấu hiệu sinh học tăng cao mà chuyển sang chế độ ăn chay hoàn toàn và triệt để thì không nên”, ông Hùng nói. Khi cơ thể suy yếu cũng tạo điều kiện cho ung thư bộc phát. Gạo lức muối mè lại càng không thể ngăn ngừa hoặc điều trị được ung thư. Tuy nhiên, với những người trước đây ăn uống quá thoải mái (nhiều thịt mỡ, ít rau quả), khi chuyển sang ăn gạo lức muối mè hợp lý thì cũng tốt cho sức khỏe.
Bác sĩ Hùng cũng khuyên bệnh nhân không nên tìm đến “thầy lang” hoặc chỉ uống những loại thảo dược để phòng ngừa, điều trị ung thư. Nếu bị bệnh mà đi điều trị bằng những phương pháp chưa được khoa học chứng minh chỉ làm chậm trễ thêm việc điều trị và khi điều trị sẽ không đem lại hiệu quả. Khoa học ngày nay có rất nhiều tiến bộ và ung thư không phải là bệnh nan y khi được phát hiện sớm và điều trị đúng.
Vinh viết
Xin cám ơn rất nhiều ạ, đúng thứ em đang tìm