Nuốt nước bọt thấy vướng ở cổ họng có thể là biểu hiện của viêm amidan mãn tính, trào ngược dạ dày thực quản hoặc bị dị cảm họng hoặc một số bệnh khác bên dưới.
Cổ họng có cảm giác bị nghẹn, nuốt vướng là bệnh gì?
Em uống thuốc theo đơn vẫn không khỏi, một tháng nay nuốt vướng hơn, cổ họng hơi khô. Đã uống thuốc nhiều lần, cả thuốc chống trào ngược dạ dày nhưng tình trạng chỉ giảm chứ không hết hẳn. Mong bác sĩ cho lời khuyên. (Phương)
Trả lời:
Nuốt vướng là cảm giác mà bệnh nhân cảm thấy có vật gì trong cổ như hạt cát, sợi tóc, hạt đậu hay khối u…
Một số nguyên nhân gây nuốt vướng:
– Gặp nhiều nhất là viêm họng mạn tính do trào ngược dạ dày thực quản, niêm mạc họng phù nề, dày lên, tăng sinh hệ thống lympho… lâu ngày tạo hạt (trước đây được gọi là viêm họng hạt, loạn cảm họng). Bệnh này hay gặp ở những người hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu, ăn khuya, có thói quen ăn nhiều gia vị cay, đồ chiên xào dầu mỡ.
– Nguyên nhân ít gặp hơn là viêm mũi xoang tiềm tàng, bệnh nhân không có triệu chứng viêm xoang như nghẹt mũi, chảy mũi, nhức đầu… nhưng khi nội soi mũi họng phát hiện nhiều mủ đục chảy từ mũi ra thành sau họng xuống họng gây vướng họng rất nhiều.
– Nguyên nhân thứ 3 là kyst hạ họng và đáy lưỡi (dạng u lành tính). Bệnh này thường có chỉ định phẫu thuật khi u lớn và gây nuốt vướng nhiều. Ít gặp hơn là bệnh dài mỏm trâm, thường gây nuốt vướng và nuốt đau ở dưới hàm, vùng amidan. Trường hợp này nội soi họng không phát hiện được, chỉ chụp CT scan cho chẩn đoán chính xác.
– Nguyên nhân ít hơn nhưng tuyệt đối không được bỏ sót là ung thư hạ họng. Đây là ung thư thường gặp đứng thứ 3 trong Tai Mũi Họng, sau ung thư vòm và ung thư mũi xoang. Thường bệnh nhân nuốt vướng và nuốt đau. Hạch cổ thường cứng chắc, di động kém.
Bị nuốt vướng lâu ngày phải làm sao?
- Để không phải lo lắng đến mất ngủ, bệnh nhân nên đến những nơi chuyên khoa uy tín để được thăm khám và nội soi khi cần thiết. Mất ngủ sẽ làm hiện tượng trào ngược nặng thêm, bệnh nhân dễ mất sức đề kháng, bội nhiễm thêm vi trùng.
- Điều trị bệnh không khó nhưng bệnh nhân cần tuân thủ điều trị và nếp sinh hoạt hàng ngày để tránh tái phát.
- Bác sĩ không có kinh nghiệm sẽ chỉ định cắt amidan không cần thiết và càng tăng thêm phần nuốt vướng vì loạn cảm họng gia tăng, dẫn đến dễ bị viêm họng hơn vì “hai anh lính” bảo vệ họng đã bị cắt bỏ.
- Nếu điều trị chống trào ngược 2 tuần không giảm, bệnh nhân nên đi nội soi dạ dày và thử tìm vi trùng H. Pylori.
Bác sĩ Nguyễn Minh Hảo Hớn
Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM