Cả tuần nay bé nhà em khi ngủ cứ lắc đầu liên tục tay thì nắm chặt lại, chà lên mặt, thỉnh thoảng lại bứt rứt và khóc lên mấy tiếng. Vợ chồng em cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm trẻ sơ sinh và thấy rất lo liệu có ảnh hưởng gì đến não của cháu không. Trẻ lắc đầu liên tục khi ngủ phải làm sao? Mong bác sĩ tư vấn. (Thu Dung, 26 tuổi)
Nguyên nhân khiến trẻ lắc đầu liên tục khi ngủ
Nhiều trẻ xuất hiện triệu chứng lắc đầu khi đang ngủ say, nguyên nhân có thể là do:
- Căng thẳng tâm lý: Trẻ muốn được giải tỏa theo phản xạ tự nhiên bằng cách lắc đầu liên tục khi ngủ. Những căng thẳng đó là do ép ăn, bú quá nhiều, người lớn nạt nộ,…
- Thiếu hụt canxi: Cơ thể bé bị thiếu hụt canxi sẽ dẫn đến hiện tượng hay lắc đầu kèm theo đổ mồ hôi trộm.
- Mắc phải một số bệnh: Nếu trẻ lắc đầu nguầy nguậy và quấy khóc, lắc đầu, bứt rứt, gồng mình, đỏ mặt trong lúc ngủ,… có khả năng là trẻ đã mắc bệnh như viêm tai, viêm mũi,…
- Trẻ đang trong thời kì mọc răng: Nếu trẻ đang có dấu hiệu mọc răng thì hiện tượng lắc đầu chỉ là tạm thời không có gì là đáng lo vì chỉ một thời gian sau chúng sẽ tự động hết. Khi mọc răng, bé thường khó chịu, bứt rứt.
- Giải tỏa năng lượng dư thừa trong cơ thể: Các chuyên gia tâm lý còn cho rằng, hiện tượng lắc đầu thường xuất hiện khi ngủ do cơ thể tràn trề năng lượng chưa được giải tỏa hết. Cử động lắc đầu sẽ giúp trẻ tiêu bớt năng lượng dư thừa tích tụ trong ngày, vì thế sẽ giúp bé có thể đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn.
- Tự ru ngủ: Nguyên nhân khác khiến trẻ hay lắc đầu khi ngủ là bé sẽ tự ru giấc ngủ của mình. . Từ khi chào đời, mức kích thích tiền đình ở trẻ thấp hơn nhiều so với khi ở trong bụng mẹ. Chính vì vậy bé cần tự kích thích tiền đình để tự ru mình dễ ngủ hơn.
Ngoài các nguyên nhân trên, hiện tượng lắc đầu ở trẻ còn có thể là do di truyền. Nếu trong gia đình có người nhà từng có triệu chứng này thì bé nhà bạn sẽ mắc phải do gen di truyền.
Lắc đầu liên tục khi ngủ có nguy hiểm không?
Nếu trẻ khỏe mạnh, phát triển bình thường và chỉ có hành động lắc đầu mỗi khi ngủ thì cha mẹ không cần quá lo lắng. Hiện tượng này thường bắt đầu ở độ tuổi trẻ 2 – 9 tháng tuổi và sẽ khỏi khi bé lớn.
Trong một số trường hợp, nếu bạn thấy bé hiện tượng lắc đầu liên tục kèm theo các biểu hiện không giao tiếp, kháng cự, chậm nói,… thì có nguy cơ trẻ dễ bị tự kỷ, chậm phát triển trí não thì mẹ cần đưa bé đến bệnh viện khám ngay nhé.
Trẻ hay lắc đầu liên tục khi ngủ phải làm sao?
– Chơi đùa cùng bé, để bé tập trung vào vui chơi nhằm giúp bé giải tỏa được mệt mỏi, căng thẳng.
– Đảm bảo điều kiện môi trường nơi ngủ cho bé được thoáng, có đủ ánh sáng, tránh bụi bẩn.
– Bổ sung vitamin D và canxi cho bé theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, mẹ cần cho trẻ tắm nắng để tránh còi xương.
– Ban đêm nếu thấy trẻ lắc đầu quá nhiều thì mẹ hãy nhẹ nhàng đánh thức con dậy, ôm trẻ để con cảm nhận được sự an toàn.
– Gối ngủ của bé phải vừa tầm, êm phù hợp với từng độ tuổi để dễ tạo giấc ngủ sâu.
– Tránh xáo trộn trước giờ đi ngủ cho bé: mẹ nên duy trì thói quen đi ngủ đúng giờ cho con. Bên cạnh đó, mẹ hãy cho bé nghe những bản nhạc để bé dễ ngủ hơn.
Trẻ hay lắc đầu liên tục khi ngủ phải làm sao? Hy vọng qua những thông tin trên sẽ giúp cho bạn bớt phần nào lo lắng khi trẻ lắc đầu. Mẹ hãy áp dụng các cách trên để tạo cho bé một giấc ngủ ngon nhé.