Thiếu hồng cầu là hiện tượng lượng hồng cầu ít hơn so với bình thường, do thiếu men, thiếu sắc tố, ăn uống kém hoặc cơ thể không hấp thụ được dinh dưỡng. Thiếu máu do thiếu hồng cầu cần bổ sung dinh sắt, axit folic và tăng cường dinh dưỡng theo gợi ý bên dưới.
Số lượng hồng cầu của người bình thường là bao nhiêu?
Số lượng hồng cầu trung bình của người Việt Nam là: nam giới khoảng 4,2 triệu/mm3 và nữ giới khoảng 3,8 triệu/mm3 máu. Lượng hồng cầu có thay đổi chút ít trong ngày, thấp lúc ngủ và cao khi vận động. Hồng cầu ở trẻ sơ sinh cao hơn người lớn, khoảng 5 triệu/mm3, nhưng trong 10 ngày đầu sau khi trẻ được sinh ra, một số hồng cầu bị tiêu đi, gây ra tình trạng vàng da sinh lý trẻ sơ sinh. Một vài tháng sau, hồng cầu của trẻ sẽ xấp xỉ của người trưởng thành.
Đời sống trung bình của hồng cầu trong máu ngoại vi khoảng 100-120 ngày. Hồng cầu già sẽ tiêu hủy bởi các đại thực bào trong tủy xương, gan, lách.
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì thiếu máu là tình trạng giảm lượng huyết sắc tố lưu hành trong máu ngoại vi so với người bình thường cùng giới, cùng lứa tuổi, cùng một môi trường sống.
Vì sao bị thiếu hồng cầu?
Nguyên nhân gây ra bệnh thiếu máu hồng cầu là gì khá khó xác định. Có nhiều lí do, trong đó có: thiếu máu do di truyền, bất thường màng hồng cầu, bất thường huyết sắc tố hoặc do thiếu men. Hiện nay vẫn chưa có biện pháp phòng ngừa bệnh thiếu máu do di truyền. Các biện pháp kĩ thuật chỉ có thể giúp kiểm tra chồng, vợ hay bào thai và cho biết xác suất trẻ có mang mầm bệnh hay không.
Dấu hiệu bệnh thiếu máu thường gặp nhất là thấy ù tai, hoa mắt, chóng mặt thường xuyên. Thường choáng khi thay đổi tư thế hoặc gắng sức. Không chỉ thế bệnh nhân còn có thể ngất lịm, nhất là khi thiếu máu quá nhiều. Nhức đầu, giảm trí nhớ, mất ngủ hoặc ngủ quá sớm, thay đổi tính tình (dễ cáu gắt), tê tay chân, giảm sức lao động trí óc và chân tay cũng là triệu chứng thường thấy. Ngoài ra, bệnh nhân thường hồi hộp, hay bị đánh trống ngực, khó thở hoặc đau vùng trước tim do thiếu máu cơ tim và chán ăn, đầy bụng, tiêu chảy hoặc táo bón.
Một vài dấu hiệu người bệnh có thể tự nhận biết hoặc do người khác phát hiện ra như: làn da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt; hoặc vàng da, niêm mạc nếu thiếu máu huyết tán. Đặc biệt có thể quan sát rõ các dấu hiệu này ở vị trí da mỏng, trắng như mặt, lòng bàn tay… hoặc ở niêm mạc mắt, môi, lưỡi, vòm miệng…
Chẩn đoán, phân loại và tìm nguyên nhân bệnh thiếu máu phải dựa vào các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm khoa học cụ thể, nhưng chủ yếu thì quyết định phải dựa vào các xét nghiệm. Việc xét nghiệm công thức máu toàn diện sẽ cho biết mức độ các tế bào hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và cả huyết sắc tố. Đồng thời biết được kích thước trung bình, sự thay đổi kích thước, khối lượng và nồng độ hemoglobin trong các tế bào hồng cầu.
Thiếu máu hồng cầu có nguy hiểm không?
Trước đây, chúng ta chưa hiểu rõ thiếu máu hồng cầu là gì và đây là một bệnh rất khó điều trị. Hiện nay, nhờ tiến bộ y học, những người mắc bệnh thiếu máu dạng này nếu nguyên nhân là do thiếu hụt vitamin B12 hay acid folic thì có thể tự kiểm soát được các triệu chứng của họ.
Việc điều trị cụ thể còn tùy theo từng loại bệnh thiếu máu. Đối với bệnh nhân thiếu máu do bất thường trong huyết sắc tố, cần truyền máu thường xuyên và theo dõi vấn đề ứ sắt để giảm những biến chứng của bệnh. Trong trường hợp thiếu máu di truyền do thiếu men thì bệnh nhân sẽ được hướng dẫn danh sách các thuốc nguy hiểm không nên dùng và cần tránh một số thức ăn có hại cho người bị thiếu máu.
Bệnh thiếu máu luôn có khả năng dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng chất lượng sống nên không thể nói được bệnh thiếu máu dạng nào nào nguy hiểm hay dễ phòng ngừa và điều trị hơn. Nếu mắc hoặc nghi ngờ mắc chứng thiếu máu thì bạn cần phải đi khám ngay để được xác định, chẩn đoán và có hướng điều trị chuẩn xác tiếp theo.
Thiếu hồng cầu nên ăn gì?
Cơ thể cần một số vitamin, khoáng chất và chất dinh dưỡng để tạo ra đủ hồng cầu. Sắt, vitamin B12 và axít folic là ba yếu tố quan trọng nhất. Cơ thể có thể không có đủ các chất dinh dưỡng do:
- Những thay đổi trong niêm mạc dạ dày hoặc ruột ảnh hưởng đến hấp thu các chất dinh dưỡng (ví dụ, bệnh celiac).
- Ăn uống không đầy đủ.
- Mất máu từ từ (ví dụ, kinh nguyệt nhiều hoặc loét dạ dày).
- Phẫu thuật loại bỏ một phần của dạ dày hoặc ruột.
Vì vậy, điều trị thiếu máu ngoài việc truyền máu để đảm bảo vận chuyển oxy, một số trường hợp thiếu máu do thiếu chất như thiếu máu do thiếu sắt hoặc do thiếu axít folic và/hoặc vitamin B12 thì ngoài việc uống bổ sung viên sắt, axít folic, vitamin B12, cần phải chú trọng thêm về vấn đề dinh dưỡng bằng cách cải thiện bữa ăn: lựa chọn thực phẩm giàu sắt cho bữa ăn gia đình. Đó gồm: các loại ốc; các loại thịt như thịt bò, lợn, gan lợn, tiết lợn; cá ngừ; lòng đỏ trứng; các loại rau như dền, ngót, muống… và các loại đậu. Dùng thêm nước mắm, bánh… có bổ sung chất sắt.