Thấy con trai 2 tuổi bị sốt cao, đến ngày thứ 3 thì nổi lấm tấm nhiều nốt đỏ ở trên da, lo con mình bị sởi nên tôi liền đưa đến bệnh viện khám. Tuy nhiên, bác sỹ khẳng định, con chỉ bị sốt phát ban thôi. Tôi muốn hỏi sốt phát ban và bệnh sởi khác nhau như thế nào? Mong bác sĩ tư vấn. (Mỹ Duyên, Đà Nẵng)
Chào bạn Duyên! Cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi về chuyên mục tư vấn của chúng tôi. Với câu hỏi: Sốt phát ban và bệnh sởi khác nhau thế nào?, chúng tôi xin được giải đáp như sau:
Bệnh sởi và sốt phát ban đều giống nhau ở thời điểm ủ bệnh. Giai đoạn này, sốt phát ban và bệnh sởi đều có biểu hiện tương tự như: sốt, xuất hiện cảm giác mệt mỏi, lừ đừ, mệt mỏi các cơ bắp, biếng ăn, nôn và tiêu chảy.
Sốt phát ban và bệnh sởi khác nhau thế nào?
1. Tác nhân gây bệnh
- Sốt phát ban: Trẻ bị sốt phát ban là do nhóm virus đường hô hấp gây ra, chủ yếu lành tính.
- Bệnh sởi: Tác nhân gây bệnh do virus morbillivirus họ Paramyxoviridae gây nên. Bệnh sởi là tình trạng nhiễm virus cấp tính khá nguy hiểm.
2. Triệu chứng bệnh
Theo các bác sĩ, sự khác biệt rõ nhất của bệnh sởi và sốt phát ban ở trẻ chính là giai đoạn toàn phát.
- Sốt phát ban: Cơ thể của trẻ có dấu hiệu phát ban sau khi giảm sốt. Hồng ban dạng mịn, sáng, thường ít gồ lên trên bề mặt da. Ban còn nổi đồng loạt trên cơ thể và nhưng sau khi hết bệnh sẽ không để lại sẹo.
- Bệnh sởi: Các nốt phát ban của sởi sẽ có tiến trình rất đặc trưng, ban đầu ban sẽ xuất hiện ở tai rồi mới lan rộng ra mặt, xuống bụng và toàn thân. Ban sởi thường nổi lên gồ lên mặt da, kèm các triệu chứng ho, sổ mũi, đỏ mắt.
3. Biến chứng của bệnh
- Sốt phát ban: thường lành tính, nếu biết cách chăm sóc trẻ thì bệnh sẽ tự khỏi sau từ 5 – 7 ngày mà không để lại biến chứng.
- Bệnh sởi: nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi nặng, viêm não, viêm loét giác mạc, viêm tai giữa, suy dinh dưỡng,…
4. Biện pháp phòng tránh bệnh
Cách phòng bệnh sốt phát ban: Mẹ hãy cho trẻ tiêm phòng vắc-xin 3 trong 1 (bệnh Rubella, sởi, quai bị). Mũi thứ 1 tiêm khi trẻ được 12 tháng tuổi; mũi nhắc thứ 2 tiêm cho trẻ trong độ tuổi từ 5 – 6 tuổi.
Cách phòng bệnh sởi: Cho trẻ tiêm phòng vắc-xin sởi khi được 9 tháng tuổi. Sau đó tiêm mũi nhắc thứ 2 khi trẻ đủ18 tháng tuổi nhằm đảm bảo đủ liều lượng và nồng độ kháng thể để giúp trẻ miễn dịch tốt với loại virus sởi.
Sốt phát ban và bệnh sởi khác nhau thế nào? Hy vọng rằng, qua bài viết này bạn đã phân biệt được sốt phát ban và sởi cũng như biết cách phòng tránh cho bé nhà mình nhé!