Ngủ trưa lúc 13h là tốt nhất, chỉ nên ngủ khoảng 20- 30 phút/ ngày là hợp lý vì nếu thời gian ngủ trưa lâu sau khi ngủ dậy cơ thể sẽ mệt mỏi, đau đầu, mất phương hướng.
Ngủ trưa giúp cơ hể tỉnh táo, lấy lại năng lượng cho buổi chiều
Ngủ trưa rất tốt cho sức khỏe, nhất là những người lao động trí óc. Ngủ trưa dễ dàng giúp lấy lại năng lượng cho cơ thể, loại bỏ căng thẳng và mệt mỏi. Nhờ tác dụng giảm căng thẳng, đầu óc có thể tập trung tốt hơn, hiệu quả làm việc tăng lên rõ rệt.
Lý do vì khi ngủ, hormone serotonin được sản sinh ra làm dịu thần kinh và mang lại sự sảng khoái về tinh thần. Ngủ trưa còn có thể làm giảm tình trạng quá tải thông tin trong não bộ. Do đó, não còn nhiều “không gian” hơn cho những thông tin mới cần được xử lý. Từ đó, bộ nhớ cũng được cải thiện đáng kể.
Ngủ trưa tốt cho sức khỏe của tim bằng cách giảm mức độ căng thẳng trong cơ thể. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu bạn có một giấc ngủ trưa ngắn trong 30 phút ít nhất 3 lần/một tuần sẽ giúp giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch 37% so với những người không ngủ trưa.
Ngủ trưa với một giấc ngủ ngắn cũng không làm ảnh hưởng đến hoạt động của chất béo trong cơ thể hoặc vòng eo miễn là bạn sẽ vẫn hoạt động trong buổi chiều và không ăn quá nhiều.
Một giấc ngủ ngắn buổi trưa cũng có thể giúp bù đắp phần nào cho giấc ngủ ban đêm nếu không ngủ đủ giấc và thực sự có thể giảm nguy cơ tăng cân vì ngủ trưa làm giảm hàm lượng cortisol.
Ngủ trưa còn giúp duy trì độ tươi trẻ cho làn da, đồng thời đẩy nhanh tốc độ thay thế các tế bào da chết bằng những tế bào mới và trẻ hóa da trở lại. Khi ngủ trưa, lượng collagen trong cơ thể cũng sẽ được hình thành nhiều hơn, làm cải thiện khả năng đàn hồi của da. Đây được xem là một trong những ưu điểm nổi bật mà giấc ngủ trưa mang lại cho phái nữ.
Ngủ trưa lúc mấy giờ là tốt nhất?
Giấc ngủ trưa của chúng ta nên bắt đầu vào 13 giờ vì đây là thời điểm các cơ quan rơi vào trạng thái mệt mỏi, dễ chìm vào giấc ngủ nhất. Thời gian ngủ trưa chỉ nên dao động trong khoảng 20 – 30 phút. Ngủ trưa quá lâu có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, mất phương hướng sau khi thức dậy.
Làm sao để có giấc ngủ trưa ngon nhất?
Để có giấc ngủ trưa tác động tốt đến sức khỏe, các chuyên gia cho biết, khoảng thời gian tốt nhất cho giấc ngủ trưa là sau bữa ăn trưa từ 10 – 20 phút và nên trước 3 giờ chiều. Ngủ trưa quá muộn có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ buổi tối.
Không nên ăn quá no hoặc sử dụng chất kích thích như rượu, bia, cà phê… trước khi ngủ vì có thể sẽ gây khó ngủ hoặc ngủ không ngon.
Nên giữ tinh thần thoải mái khi ngủ, chọn nơi càng yên tĩnh càng tốt và nơi ánh sáng vừa đủ tối.
Nhiệt độ nơi ngủ trưa cũng không nên quá nóng hoặc quá lạnh để tránh tình trạng cơ thể cố gắng điều chỉnh nhiệt độ, gây khó khăn trong việc thư giãn, thả lỏng cơ thể.
Chọn tư thế ngủ phù hợp nhất để tránh trường hợp bị căng cơ, mệt mỏi sau khi dậy. Nằm ngửa là tư thế ngủ được đánh giá tốt nhất nhưng lưu ý là phải nằm thẳng người, thả lỏng tay chân để cơ bắp nghỉ ngơi và phải thở nhịp nhàng.
Với nhiều người, nhất là giới văn phòng, sau giờ ăn trưa, họ sẽ gục đầu xuống bàn làm việc hay ngả người ra sau chiếc ghế tựa để chợp mắt. Dù đã ngủ nhưng sau khi thức dậy họ vẫn cảm thấy mệt mỏi, đau cổ. Nguyên nhân gây ra tình trạng này chính là do ngủ sai tư thế.
Ngoài ra, khi thức giấc, không nên đứng dậy ngay, hãy ngồi tại chỗ khoảng 1 – 3 phút để cơ thể tỉnh táo hẳn rồi mới đứng dậy, bắt tay vào công việc của buổi chiều.
Nếu bạn đang có quá nhiều công việc cần làm và không có thời gian cho giấc ngủ trưa, bạn cũng có thể nhắm mắt nghỉ ngơi tại chỗ. Chỉ cần thư giãn, nhắm mắt lại, hít thở sâu thì bạn cũng có thể lấy lại tinh thần và sức lực cho những công việc tiếp theo.