Nói lắp là một tật phổ biến ở trẻ, xuất hiện ở giai đoạn tập nói từ 2 – 5 tuổi và sẽ tự khỏi sau khi trẻ đã nói được những câu ngắn có nghĩa. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp do nhiều nguyên nhân mà không thể khỏi và trở thành thói quen đến lớn. Vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng nói lắp ở trẻ?
Nói lắp ở trẻ là gì?
Nói lắp là một hình thức rối loạn ngôn ngữ phổ biến ở trẻ nhỏ từ 2 đến 5 tuổi và sẽ tự khỏi sau khi trẻ biết nói thành thạo. Biểu hiện của nói lắp là trẻ nói không theo nhịp điệu bình thường, nói kéo dài từ hoặc ngắt quãng, lặp lại các từ. Do một số nguyên nhân mà trẻ không thể nói rành rọt trở lại khi lớn khiến không ít bậc cha mẹ cảm thấy lo lắng.
Nguyên nhân nói lắp ở trẻ
Về nguyên nhân nói lắp, các chuyên gia cho rằng do 4 nguyên nhân:
Do di truyền: Nếu trong gia đình có người nói lắp thì 60% trẻ mang gen tật nói lắp.Có
Trẻ bị tổn thương vùng Broca trong não: Broca là vùng phân tích vận động lời nói. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, việc sử dụng forceps trong khi sinh nở hoặc do đầu trẻ bị va đập mạnh khi còn nhỏ là nguyên nhân dẫn đến tổn thương vùng Broca khiến trẻ bị nói lắp.
Khủng hoảng tâm lý: Một số nhà khoa học cho rằng, trẻ còn bị nói lắp do cú sốc hoặc áp lực từ gia đình tác động đến tâm lý khiến trẻ mắc tật nói lắp.
Yếu tố môi trường: Trẻ em có khả năng bắt chước người khác khá nhanh. Vì vậy nếu các bé sống chung với những người nói lắp, sẽ khiến trẻ nhanh chóng học và làm theo.
Biểu hiện khi trẻ nói lắp
- Trẻ nói khó phát âm.
- Trẻ nói dằn mạnh từng tiếng.
- Câu nói ngắt quãng hoặc lặp lại nhiều lần như: mẹ ơi, con…. con mèo nó…bắt…bắt chuột.
Làm gì khi trẻ nói lắp?
Tình trạng nói lắp của trẻ sớm điều trị sẽ giúp trẻ nói thành thạo, vì vậy bố mẹ nên:
- Tạo cơ hội cho trẻ nói chuyện thoải mái, không nên la mắng, trêu chọc khi trẻ nói lắp sẽ làm trẻ cảm thấy mặc cảm hơn. Cha mẹ hãy dành nhiều thời gian để giao tiếp với trẻ. Tập cho trẻ hát, đọc thơ, đọc truyện,… để làm tăng vốn từ vựng và rèn luyện cách phát âm.
- Rèn cho trẻ cách nói chậm, rõ ràng để cho trẻ bắt chước theo. Nên bắt đầu từ những câu đơn giản, ngắn gọn sau đó tăng dần độ khó với câu dài hơn.
- Đừng ngại trao đổi với con khi nó nói lắp. Nếu con có thắc mắc gì về tật nói lắp của mình, hãy lắng nghe giải thích cho trẻ hiểu.
- Cuối cùng hãy đưa con đến gặp bác sĩ để kiểm tra tình trạng nói lắp của con, từ đó biết cách luyện tập khắc phục nói lắp cho trẻ tại nhà. Bạn có thể cho con theo học lớp kỹ năng sống để tương tác giao tiếp với bạn bè.
Để khắc phục nói lắp ở trẻ, cha mẹ cần phải kiên nhẫn, không dọa nạt, hãy lắng nghe và làm bạn cùng con.
Hơn 90% số trẻ nói lắp có thể nói chuyện bình thường sau khi vốn từ của trẻ đã được đầy đủ hơn. Tuy nhiên tránh tình trạng nói lắp kéo dài làm ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp của trẻ, cha mẹ cần phát hiện sớm và tìm ra nguyên nhân để con sớm có thể nói chuyện lưu loát.