Nhận biết thiếu vitamin B6 qua các biểu hiện: cơ thể mệt mỏi, môi khô nứt nẻ, kém ăn, rụng tóc, cơ thể khó chịu, mất ngủ… Bổ sung vitamin B6 bằng thuốc/ thực phẩm giàu vitamin B6 cụ thể theo khuyến cáo bên dưới.
Vitamin B6 là gì, có tác dụng gì?
Vitamin B6 đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa protid, lipid, glucid và tổng hợp một số chất dẫn truyền thần kinh. Thiếu hụt vitamin B6 sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, dẫn đến các triệu chứng như run tay chân, múa giật, co cơ, đặc biệt là chứng sốt cao co giật ở trẻ nhỏ. Và một số bệnh lý khác như thiếu máu, viêm da, viêm dây thần kinh…
Vitamin B6 có tác dụng gì?
Vitamin B6 tham gia vào sự hình thành myelin – lớp protein bao xung quanh bảo vệ các tế bào thần kinh, giúp duy trì chức năng của não. Đồng thời pyridoxine có trong vitamin B6 còn tham gia quá trình tổng hợp serotonin, norepinephrine – các chất dẫn truyền thần kinh.
Mặt khác, vitamin B6 còn tham gia vào quá trình tổng hợp hemoglobin (chất có vai trò vận chuyển oxy trong máu đến các mô) và đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa các chất. Đặc biệt là chất xúc tác trong phản ứng chuyển hóa glycogen thành glucose để cung cấp năng lượng hoạt động trong cơ thể.
Vitamin B6 được chỉ định sử dụng để phòng ngừa và điều trị một số bệnh lý như: Rối loạn vận động (run chân tay, co giật do sốt, múa giật, chuột rút ban đêm), rối loạn tâm thần (động kinh, trầm cảm, hưng cảm, tự kỉ…), thiếu máu, bệnh lý tim mạch (xơ vữa động mạch, cholesterol cao), viêm dây thần kinh (ngoại vi, thị giác, thính giác), tăng cường miễn dịch trong điều trị nhiễm trùng mắt, bàng quang và giảm tác dụng phụ của một số thuốc điều trị. Vitamin B6 có thể sử dụng một mình hoặc ở dạng kết hợp với vitamin B1, B12.
Triệu chứng thiếu vitamin b6 dễ nhận biết nhất
Sự thiếu hụt vitamin B6 (pyridoxin, pyridoxal, pyridoxamin) có thể gây ra nhiều triệu chứng như mệt mỏi, mất ngủ, khó chịu, rối loạn tâm thần, môi nứt nẻ, rụng tóc, thiếu máu nguyên bào sắt, viêm dây thần kinh ngoại vi. Thiếu vitamin B6 xảy ra với người nghiện rượu, bị xơ gan, suy tim, hội chứng urê huyết, cắt bỏ dạ dày, bệnh đường ruột, kém hấp thu…
Bổ sung Vitamin B6 thế nào?
Đối với trẻ em: Liều khuyến cáo bổ sung mỗi ngày là 0,1 mg với trẻ dưới 6 tháng tuổi, trẻ 6 – 12 tháng là 0,3 mg, trẻ từ 1 – 8 tuổi là 0,5 – 0,6 mg và trẻ từ 9 – 18 tuổi là 1 mg. Không bổ sung quá 60 mg mỗi ngày.
Đối với người lớn: Mỗi ngày chỉ nên bổ sung từ 1,3 – 1,7 mg mỗi ngày và không quá liều 80 mg/ngày.
Đối tượng có nguy cơ cao thiếu vitamin B6: Phụ nữ có thai, những người bị rối loạn hấp thu, sử dụng thuốc lâu dài hay mắc các tình trạng bệnh lý như suy tim, suy thận, xơ gan, cường giáp, nghiện rượu… có nguy cao thiếu hụt vitamin B6 và có thể bổ sung vitamin B6 ở mức liều cao, khoảng 20 – 200 mg mỗi ngày theo chỉ định của bác sĩ. Có thể kết hợp với vitamin nhóm B hay sắt,magie để tăng hiệu quả điều trị bệnh thiếu máu, rối loạn lo âu, suy giảm trí nhớ.