Dấu hiệu chuyển dạ cần nhập viện NGAY: ra dịch nhầy bất thường kèm theo co thắt tử cung, bụng tuột, vỡ nước ối, tiêu chảy… báo hiệu mẹ sắp sanh trong 24h tới.
5 dấu hiệu chuyển dạ báo hiệu sắp sinh trong 24 giờ tới
Nếu mẹ nhận thấy đồng thời những dấu hiệu dưới đây thì chứng tỏ em bé sẽ sắp chào đời và mẹ cần đến bệnh viện ngay.
Cơn đau co tử cung nhiều hơn, bất thường
Khi tới gần ngày sinh, bạn sẽ thấy tử cung xuất hiện các cơn co. Điều cần thiết là bạn phải phân biệt cơn co thật và cơn co giả. Không giống như những cơn co thắt khi chuyển dạ, các cơn co chuyển dạ giả thường xuất hiện không đều đặn, không thường xuyên, không nhẹ nhàng như các cơn co tử cung của chuyển dạ giả, chuyển dạ thật đau hơn nhiều. Chúng tạo nên cường độ mạnh đến mức bạn không thể đi lại hay nói chuyện khi đó. Các cơn co chuyển dạ thường mạnh và liên tục, cách nhau từ 5 – 7 phút ít nhất trong một giờ, tức là bạn đang chuyển dạ.
Xuất hiện dịch nhầy
Trong thời gian mang thai, cổ tử cung đóng và được làm dày lên bởi một lớp chất nhầy để ngăn ngừa viêm nhiễm từ bên ngoài tác động đến bào thai. Nhưng khi bạn sắp đến ngày sinh, cổ tử cung bắt đầu giãn ra, mềm ra để chuẩn bị cho em bé ra ngoài, do đó lớp dịch nhầy này cũng bị phá vỡ và chảy ra ngoài. Lượng dịch nhầy chảy ra khá nhiều, đặc và có thể kèm theo các tia máu hoặc nhiều máu do cổ tử cung bị rạn ra quá mức.
Bụng tụt
Khi mang thai, thai nhi to sẽ đè lên cơ hoành người mẹ khiến các mẹ cảm thấy khó thở hơn, vì thế khi bé tụt xuống sâu vùng khung xương chậu chuẩn bị ra đời, các bà bầu sẽ cảm giác thở thoải mái hơn, dễ dàng hơn, nhưng thay vào đó các mẹ lại cảm thấy tăng áp lực lên bàng quang dẫn đến đi tiểu thường xuyên hơn. Trẻ càng tụt xuống sâu vùng khung xương chậu thì càng gần tới ngày sinh nở.
Vỡ nước ối
Đây là dấu hiệu cho biết bạn chuẩn bị phải sinh gấp, không được chậm trễ. Nước ối vỡ bất ngờ khiến em bé bị mất môi trường tự nhiên và bị thúc ép ra ngoài. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu, trường hợp vỡ nước ối trước khi có những cơn co thắt thường xuyên chỉ chiếm 18% các ca sinh. Nếu bạn không bị chảy nước ối ra ngoài một cách ồ ạt, bạn cũng có thể cảm nhận được sự rò rỉ nhỏ bởi vì đầu của em bé lúc này đã lộn xuống dưới và ngăn cản nước ối chảy ra ngoài nhanh.
Một khi nước ối đã bị vỡ, người phụ nữ cần phải sinh ngay. 80% phụ nữ đau đẻ và bị kích thích sinh trong vòng 12 tiếng sau khi vỡ nước ối, nếu chậm trễ có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cho cả mẹ và em bé khi sinh.
Tiêu chảy
Ngoài các dấu hiệu bị chảy nước ối và dịch nhầy, phụ nữ mang thai giai đoạn cuối có thể bị tiêu chảy nữa. Nguyên nhân là do cơ thể họ sản sinh prostaglandin, một loại hoóc-môn gây co bóp cổ tử cung, làm mềm và giãn cổ tử cung. Nhưng chất prostaglandin này cũng có thể tác động đến đường ruột gây ra tình trạng đi đại tiện thường xuyên, thậm chí là tiêu chảy.
Đi sinh cần mang những gì?
Các giấy tờ cần thiết
- Tất cả các loại hồ sơ, sổ khám thai, kết quả xét nghiệm, siêu âm kể từ ngày bắt đầu đi khám thai để bác sĩ có thể xem lại lịch sử phát triển của thai nhi. Những giấy tờ này sẽ giúp bác sĩ đánh giá đúng hơn tuổi cũng như các tình trạng khác của thai, bệnh lý của mẹ.
- Các giấy tờ tùy thân như chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu, bảo hiểm y tế. Nên photocopy sẵn hai bản và mang theo cả bản gốc đề phòng trường hợp bệnh viện yêu cầu.
- Tiền để đóng phí tạm ứng và chi tiêu những khoản phát sinh khi nằm viện.
Đồ dùng cho mẹ
- Trang phục: mẹ nên mang áo có nút và váy rời. Khi sinh, các sản phụ sẽ mặc trang phục của bệnh viện nhưng sinh xong mẹ được phép mặc đồ của mình mang theo. Nếu mẹ mang quần sẽ không tiện cho việc thăm khám, khi đó mẹ sẽ phải mặc váy của bệnh viện. Mẹ nhớ mang thêm 1-2 bộ quần áo dành mặc khi xuất viện.
- Đồ vệ sinh cá nhân: bàn chải, kem đánh răng, khăn mặt, lược chải đầu…
- Băng vệ sinh: băng vệ sinh thường (3 chiếc) dùng khi chuyển dạ, bỉm cho mẹ (5 chiếc) dùng cho hai ngày đầu sau sinh, băng vệ sinh dày (1 gói) dùng cho hai ngày tiếp theo.
- Quần lót và áo ngực cho con bú: tốt nhất là mẹ nên mang theo quần lót giấy, sử dụng một lần.
- Miếng lót thấm sữa phòng khi sữa chảy nhiều, rỉ sữa.
- Dụng cụ hút sữa phòng khi chưa thể cho con bú trực tiếp.
- Một chiếc gối mềm dành khi cho con bú hay khi mẹ cần nghỉ ngơi.
- 2-3 chai nước lọc, sữa tươi để bổ sung năng lượng khi mẹ đói giữa đêm khuya.
- Các đồ dùng khác như: Son dưỡng môi. Sau sinh nở, sản phụ thường bị mất nước, da sẽ trở nên khô ráp, môi nứt nẻ. Vì vậy, một thỏi son dưỡng môi sẽ là “cứu cánh” cho vẻ ngoài của mẹ sau sinh. Ngoài ra mẹ cũng có thể mang thêm mặt nạ mắt, nút tai nếu mẹ dễ bị tỉnh giấc bởi tiếng động, vật dụng này sẽ giúp mẹ có giấc ngủ ngon ở nơi ồn ào, đông người như bệnh viện.
Đồ dùng cho bé
- Quần áo trẻ sơ sinh (vài bộ). Khi ở viện, thường thì bé sẽ dùng tất cả đồ của bệnh viện nhưng để đề phòng trường hợp bé thường xuyên tè, ị, mẹ vẫn nên chuẩn bị thêm đồ từ nhà mang đi.
- Chăn cho bé. Mặc dù ở viện ấm áp nhưng mẹ vẫn nên đắp riêng chăn cho bé kẻo khi mẹ rời giường, bé có thể bị lạnh.
- Tã lót: Trẻ sơ sinh có thể tè 12 lần trong ngày. Mẹ nhớ chuẩn bị tã giấy loại dùng cho trẻ sơ sinh, tã vải loại dán hoặc tã chéo.
- Băng rốn: 4-5 cái.
- Mũ, bao tay chân: khoảng 5 bộ. Bao tay chân của bé mẹ nhớ lộn trái, cắt hết những sợi chỉ thừa. Đã từng có trường hợp bé bị chỉ thừa của những bao tay chân này quấn quanh tay siết chặt dẫn đến hoại tử ngón tay.
- Khăn sữa: khoảng 20 chiếc để lau cho bé và lau vú cho mẹ.
- Các đồ dùng khác: rơ lưỡi, dụng cụ lấy ráy tai cho bé, tấm lót chống thắm, kem chống hăm, ly nước nhỏ và muỗng inox dành cho trẻ sơ sinh. Mẹ chú ý không được dùng những muỗng mỏng có thể làm rách miệng của bé.
Đồ dùng dành cho người thân
Không chỉ có mẹ mà gia đình đều rất lo lắng, hồi hộp cho cuộc sinh. Có thể là bố hay bà ngoại bé…sẽ chăm sóc mẹ và bé trong những ngày lưu lại bệnh viện sau sinh. Hãy chuẩn bị một số vật dụng để dành cho “hậu phương vững chắc” nhé:
- – 1-2 bộ quần áo để thay đổi.
- – Đồ dùng cá nhân: bàn chải, kem đánh răng, khăn mặt…
- – Dép đi trong nhà.
- – Thức ăn nhẹ phòng khi đói bụng giữa đêm khi chăm sóc hai mẹ con.
- – Máy ảnh, máy quay, điện thoại di động… để lưu lại những khoảnh khắc quý giá khi đón bé yêu chào đời.