Triệu chứng bệnh sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ thường thấy nhất là: sốt cao trên 38 độ, xuất huyết khắp cơ thể sau khi sốt 3-5 ngày kèm theo đau họng, mệt mỏi, đau đầu, đau bụng…
- Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em & cách xử lý
- Trẻ sốt mọc răng trong bao lâu thì khỏi?
Nguyên nhân bệnh sốt xuất huyết thường gặp
Sốt xuất huyết là bệnh do siêu vi trùng Dengue gây ra. Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính và lây lan chủ yếu do loại muỗi vằn hút máu từ người mắc bệnh truyền sang người lành. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng bùng phát mạnh nhất là vào mùa mưa (tháng 7, tháng 8). Sốt xuất huyết là một bệnh nguy hiểm, nhất là đối với trẻ nhỏ, sức đề kháng yếu, việc chuẩn đoán và điều trị khó hơn người lớn.
Biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ
Thời gian ủ bệnh từ 3-6 ngày, có trường hợp lên đến 15 ngày. Sốt xuất huyết gồm 2 triệu chứng chính là sốt và xuất huyết. Bệnh khó phát hiện, chẩn đoán sớm do những ngày đầu, các triệu chứng như sốt cao, phát ban ra ngoài da, biếng ăn, đau nhức người,… tương tự với các bệnh nhiễm vi-rút khác như sốt siêu vi, sốt phát ban.… Xét nghiệm thời gian đầu của bệnh cũng không phân biệt được sốt xuất huyết và các bệnh nhiễm vi-rút khác.
Biểu hiện rõ nhất của bệnh là sốt cao đột ngột kéo dài 5-7 ngày, kèm theo một trong các dấu hiệu: nổi chấm đỏ ở da, nôn ói có máu, tiêu phân đen, chảy máu mũi, chân răng.… Ngoài ra, các triệu chứng có thể kèm theo như đau đầu, đau cơ, đau khớp, đau quanh hốc mắt,chán ăn, buồn nôn. Khi bệnh nặng, có thể sốc, xuất huyết nặng, tổn thương các cơ quan như gan, não, tim, phổi…. Do đó, cần theo dõi kĩ các triệu chứng để phát hiện kịp thời.
Ở trẻ em, đau họng và đau bụng thường là những triệu chứng nổi trội. Hạ sốt xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 8 thường kèm biểu hiện xuất huyết nhẹ (chấm xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết và chảy máu mũi). Sau khi hạ sốt thường xuất hiện ban dạng dát sẩn đa hình thái, đôi khi gây ngứa, đầu tiên ở thân mình và lan rộng theo hướng ly tâm đến các chi, mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Một số trường hợp có thể bệnh có thể tiến triển đến xuất huyết tiêu hóa và sốc.
Chăm sóc trẻ sốt xuất huyết nhẹ tại nhà như sau
Sốt xuất huyết ở trẻ, nếu không phát hiện kịp thời sẽ rất nguy hiểm, khả năng tử vong cao. Nếu mẹ phát hiện bé có những biểu hiện của sốt xuất huyết, mẹ nên:
- Hạ sốt cho bé đúng cách: Khi bé sốt cao ≥ 380C, cho bé uống thuốc hạ sốt Paracetamol đơn chất với liều 10-15mg/kg cân nặng, uống lặp lại 4-6 giờ một lần nếu trẻ sốt, lau mát bằng nước ấm để tránh biến chứng sốt cao, gây co giật.
- Chọn những thức ăn trẻ thích, chia làm nhiều bữa nhỏ và không kiêng khem. Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa…
- Cho bé uống thêm nhiều nước, loại nước thích hợp là nước lọc, nước cam, chanh, … và nên cho bé uống dung dịch oresol, vì ngoài việc bù nước còn bù được một số điện giải bị mất do sốt cao, có thêm một lượng vitamin C đáng kể, giúp thành mạch máu bền vững, giảm bớt tình trạng xuất huyết các nơi trong cơ thể.
- Theo dõi và cho bé nhập viện kịp thời: khi bé sốt trên 2 ngày mà không tìm được nguyên nhân, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị.
Ngoài ra mẹ nên lưu ý thêm một số điều sau:
- Không tự ý cho trẻ uống thuốc Aspirine hoặc Ibuprofen (có thể gây chảy máu dạ dày).
- Không cho bé ăn, uống những thực phẩm có màu đen hoặc đỏ (có thể gây nhầm lầm với tình trạng xuất huyết tiêu hóa ở trẻ).
Khi nào cần đưa trẻ đi thử máu, đi bác sĩ?
Trẻ có thể bị sốt bởi rất nhiều tác nhân, xét nghiệm máu sẽ giúp xác định chính xác nguyên nhân có phải là sốt xuất huyết hay không. Tuy nhiên, xét nghiệm máu chỉ có thể cho kết quả chính xác từ ngày thứ 3 bị sốt. Nhiều bệnh nhi phải trải qua xét nghiệm máu đến 2-3 lần, nguyên nhân có thể đến từ việc bố mẹ nhớ sai số ngày bị sốt của con, hoặc bác sĩ chỉ định để xác định các bệnh khác như nhiễm trùng và sốt rét…
Nếu kết quả cho thấy dung tích hồng cầu (Hct) tăng và lượng tiểu cầu giảm thì có thể kết luận là bé bị sốt xuất huyết.
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.