Đắng miệng kèm theo chán ăn, mệt mỏi, chất lưỡi đỏ, cảm giác buồn nôn, ợ nóng có thể liên quan đến các bệnh về mật, gan. Đắng miệng khi đang bị bệnh là hiện tượng bình thường, sẽ tự khỏi khi hết bệnh.
Đắng miệng là triệu chứng của bệnh gì?
Khá nhiều người thường nhầm tưởng đắng miệng, khô miệng là bệnh, tuy nhiên thực chất đây chỉ là những triệu chứng chứ không phải là bệnh lý gây hại cho sức khỏe. Đắng miệng là cảm giác luôn thấy vị hơi đắng trong miệng vào mỗi buổi sáng khi vừa ngủ dậy hoặc khi ăn không cảm nhận được vị ngon ngọt của thức ăn mà luôn cảm thấy chúng hơi đắng.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đắng miệng là do sự thay đổi thành phần trong nước bọt, khiến việc tuần hoàn huyết dịch ở dưới lưỡi gặp khó khăn. Khi bị đắng miệng người bệnh cũng thường mắc kèm theo các chứng khác như mệt mỏi, uể oải, chán ăn, chóng mặt, đau đầu, tính tình nóng nảy dễ cáu giận, đại tiện táo bón, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi mỏng và vàng, mạch huyền.. . Theo Đông y, người thấy đắng miệng thường có các chứng hàn nhiệt trở đi trở lại, phiền muộn, buồn nôn, ngán ngẩm không thiết ăn uống, nước tiểu đỏ vàng phần nhiều do nhiệt ở mật gây nên.
Đắng miệng thường là triệu chứng của những người đang bị ốm hoặc đang mắc những căn bệnh phổ biến như cảm cúm, sốt, suy nhược cơ thể… Đây thường là những loại bệnh không nguy hiểm, chỉ cần nghỉ ngơi và uống thuốc thì bạn sẽ nhanh chóng phục hồi và không còn thấy đắng miệng nữa.
Cảm thấy bị đắng miệng liên tục cả khi ngủ kèm theo các dấu hiệu khác như buồn nôn, thường xuyên ợ nóng, nôn, ho khan, khàn giọng thì có thể bạn đang mắc bệnh trào ngược dịch mật. Lúc này, bạn cần tránh các thức ăn béo, cay và đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chữa trị.
Nếu bị đắng miệng kéo dài và không dứt thì bạn không nên xem nhẹ vì có thể cơ thể bạn đang mắc phải các căn bệnh nặng, đặc biệt là các chứng bệnh liên quan đến gan. Theo các bác sĩ thì đắng miệng là triệu chứng thường gặp ở những bệnh nhân có chức năng gan bị suy giảm, mắc các bệnh viêm gan cấp tính, mãn tính, bị xơ gan, hay gan nhiễm mỡ… Ngoài ra, đắng miệng còn là sự cảnh báo của căn bệnh ung thư cho bạn.
Bị đắng miệng phải làm sao?
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ, kiểm tra chức năng gan, mật…
- Nên chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày.
- Sau khi ăn xong thì không nên nằm ngay mà nên đứng thẳng hoặc ngồi, cũng không nên vận động mạnh, cần có thời gian để dạ dày hoạt động.
- Có chế độ ăn uống khoa học: uống đủ nước, nên ăn nhiều rau xanh, không nên ăn các loại thực phẩm đồ uống có hại cho gan như rượu, bia, đồ đóng hộp, đồ ăn nhanh, thức ăn nhiều dầu mỡ…
- Không nên tự ý mua thuốc về sử dụng, cần tuân theo chỉ định và liều lượng của bác sĩ. Một số loại thuốc được bài tiết một phần qua nước bọt sau khi hấp thụ vì vậy sẽ làm miệng đắng thêm.
Đắng miệng là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác nhau trong đó các bệnh lý về gan mật chiếm nhiều nhất và mức độ bệnh nghiêm trọng nhất, vì vậy khi triệu chứng đắng miệng xuất hiện thường xuyên kèm theo cơ thể mệt mỏi, đau đầu chóng mặt thì bạn nên đến các cơ sở, trung tâm y tế kiểm tra sức khỏe để chuẩn đoán bệnh và đưa ra phương pháp điều trị kịp thời tránh để bệnh có những biến chứng xấu thành u gan, xơ gan, ung thư gan.