Trị viêm đường tiết niệu, viêm đường tiểu bằng lá nhọ nồi, rau ngót, búp măng tre, kim tiền thảo, mã đề và một số món cháo chim sẻ, cháo rùa, nước rau dền theo Đông Y: hiệu quả, an toàn, dễ thực hiện.
Viêm đường tiết niệu là gì?
Nhiễm khuẩn tiết niệu là tình trạng viêm đường tiết niệu được đặc trưng bởi tăng vi khuẩn niệu, bạch cầu niệu bất thường. Thuật ngữ viêm đường tiết niệu chỉ các tình trạng viêm nhiễm ở đường tiết niệu trên: viêm thận bể thận và ở đường tiết niệu dưới: viêm bàng quang.
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở trẻ em được xếp vào hàng thứ 3 sau nhiễm khuẩn đường hô hấp và tiêu hóa do tính chất nguy hiểm mà bệnh gây ra.
Nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ nhiễm khuẩn đường tiểu ở bé gái cao hơn khoảng 5 lần so với bé trai do niệu đạo nữ ngắn hơn và ở gần hậu môn nên dễ bị nhiễm trùng hơn, ngoài ra trong dịch tiền liệt tuyến có chất diệt khuẩn.
9 bài thuốc nam chữa viêm đường tiết niệu
- Búp măng tre 5 – 7 búp; cam thảo đất, râu ngô, lá mã đề, rễ cỏ tranh mỗi thứ một nắm. Tất cả rửa sạch, sắc lấy nước uống trong ngày. Uống liên tục 5 – 7 ngày.
- Độc vị lá bạc thau (bạc sau). Lấy lá non và bánh tẻ bạc sau, rửa sạch ăn với muối ngày 2 – 3 lần, mỗi lần 5 – 7 lá. Ăn liên tục tới khi khỏi bệnh.
- Lá nhọ nồi một nắm to, nước dừa non 1 – 2 quả. Lá nhọ nồi rửa sạch giã nát chiết lấy dịch hòa chung với nước dừa non. Chia đều uống 2 – 3 lần trong ngày.
- Rau ngót một nắm to rửa sạch giã nát, chiết lấy dịch đem phơi sương một đêm, chia đều uống 2 – 3 lần trong ngày.
- Râu ngô, rễ cỏ tranh, râu mèo mỗi thứ một nắm, dành dành 3 – 5 quả. Tất cả sắc uống thay nước trong 3 – 5 ngày.
- Rau má ta, rau mã đề mỗi thứ một nắm, mía một khúc. Tất cả đem ép lấy nước uống trong ngày, uống liên tục 5 – 7 ngày.
- Lá sen bánh tẻ tươi 1 – 2 lá, rau dừa nước tươi, rau húng chó (rau ngổ), mỗi thứ 30 – 50g đem sắc uống hoặc giã nát chiết lấy dịch uống trong ngày.
- Dành dành 3 – 5 quả, rễ cỏ tranh, cam thảo đất mỗi thứ một nắm. Sắc uống trong ngày. Uống liên tục 3 – 5 ngày.
- Cây kim ngân, rễ cỏ tranh, hạt mã đề mỗi thứ một nắm, gỗ vang 10 – 15g. Tất cả đem sắc uống thay nước trong ngày. Uống liên tục 3 – 5 ngày.
Món ăn thuốc chữa viêm nhiễm đường tiết niệu
Để bệnh không gây ra biến chứng nguy hiểm cần điều trị bệnh kịp thời và đúng cách. Ngoài việc dùng thuốc, Đông y có một số món ăn chữa bệnh này rất hiệu quả, xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo và áp dụng khi cần.
Nước rau dền cơm
- Rau dền cơm 50g (nếu khô thì 20g)
- Lá mã đề 30g (khô 15g)
- Cam thảo đất 10g (khô 5g)
Nếu dùng lá tươi thì rửa sạch, giã nhỏ lọc bằng nước đun sôi để nguội, lấy nước đặc chia 2 lần uống trong ngày, uống liền trong 3 ngày. Nếu dùng lá khô thì đun lấy nước đặc, chia 3 lần uống trong ngày. Uống liền 3 ngày.
Nước râu ngô
- Râu ngô 50g
- Lá mã đề 30g
- Đường trắng 20g
Râu ngô, lá mã đề rửa sạch, cho vào nồi thêm nước đun sôi kỹ, cho đường vào quấy đều, chia 3 lần uống trong ngày lúc đói, uống liền trong 3 ngày.
Nước dứa
- Dứa xanh 1 quả
- Đường phèn 10g
Dứa xanh chọn quả gần chín, nướng trên lửa khoảng 1-2 phút, lau sạch, ép lấy nước, cho đường phèn vào quấy đều, chia 3 lần uống trong ngày và uống liền trong 3 ngày.
Cháo hạt dành dành
- Hạt dành dành 20g
- Đậu đen 60g
- Đậu xanh 60g
- Gạo 100g
- Đường phèn vừa đủ
Hạt dành dành cho vào nồi thêm nước đun sôi kỹ, chắt lấy nước. Đậu xanh, đậu đen, gạo vo sạch, cho vào nước hạt dành dành nấu cháo, cháo chín cho đường phèn vào quấy đều, cháo sôi lại là được. Chia ăn 2 lần lúc đói. Cần ăn liền 3 ngày.
Cháo chim sẻ
- Chim sẻ 5 con
- Gạo nếp 100g
- Hành tươi 20g
- Bột gia vị vừa đủ.
Chim sẻ làm sạch, bỏ nội tạng, ướp bột gia vị khoảng 30 phút. Hành rửa sạch thái nhỏ. Gạo nếp cho vào nồi thêm nước ninh thật nhừ, cho chim sẻ vào ninh tiếp. Cháo chín cho gia vị, hành vào.Chia 2 lần trong ngày và ăn liền trong 3 ngày.
Cháo thịt rùa
- Thịt rùa 100g
- Thịt chó 50g
- Gạo 100g
- Bột gia vị vừa đủ
Thịt rùa làm sạch ướp bột gia vị, cho vào nồi thêm nước ninh thật nhừ. Thịt chó rửa sạch băm nhỏ ướp bột gia vị xào chín. Gạo xay thành bột. Khi thịt rùa nhừ cho thịt chó, bột gạo vào đảo đều, đun tiếp đến khi cháo chín là được. Chia 2 lần ăn trong ngày, ăn liền 3 ngày.
Để bệnh chóng ổn định trong khi điều trị người bệnh nên ăn các thứ mát, thanh nhiệt như đỗ đen, bột sắn dây, canh rau mồng tơi, rau đay… Cần kiêng các đồ cay nóng, có tính chất kích thích như: rượu, cà phê, tỏi, ớt, hạt tiêu, thịt chó…, không uống nước đá. Nên ăn cháo gạo loãng…