Chân vòng kiềng sinh lý ở trẻ sơ sinh sẽ tự khỏi khi lớn. Phòng ngừa chân vòng kiềng bằng cách không tập đi quá sớm, cho trẻ bú mẹ, cho trẻ ăn dặm đủ chất và đi khám nếu cảm thấy có biểu hiện trẻ bị chân vòng kiềng.
Chân vòng kiềng là gì?
Khi bé đứng xương đùi và hai gối của bé bị cong và không sát vào nhau được, tức là bé bị chân vòng kiềng. Tuy nhiên, gia đình chỉ nên lo lắng khi chân bé bị cong từ trên đùi xuống đến bàn chân. Còn về phần cẳng chân của bé bị cong thì đó chưa thể gọi là bị chân vòng kiềng được. Mà chỉ là sự phát triển tự nhiên của bé trong quá trình hình thành xương.
Vì sao trẻ bị chân vòng kiềng?
Nếu thiếu hụt vitamin D có thể gây ra chân vòng kiềng ở trẻ sơ sinh. Vitamin D có tác dụng thúc đẩy cơ thể hấp thu canxi, phốt pho và đảm bảo cho xương phát triển bình thường. Nếu chế độ dinh dưỡng của bé bị thiếu hụt vitamin D kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sự hấp thu và sử dụng canxi, phốt pho trong cơ thể, khiến bé bị còi xương. Khi bé bắt đầu tập đi và đứng, chân bé phải chịu toàn bộ trọng lực của cơ thể. Bé quá mập hoặc bị còi xương rất dễ bị chân vòng kiềng. Hoặc do bé tập đi quá sớm. Hay do bé thường xuyên được địu, được cõng trên lưng,… khiến bé dễ bị chân vòng kiềng.
Ngoài ra, chân vòng kiềng ở trẻ sơ sinh còn có thể là do bệnh lý gây ra: lan tỏa khắp chiều dài của chi (còi xương, hay tạo xương bất toàn…) và khu trú (bệnh Blount, can lệch sau gãy xương…).
Cách phòng ngừa và điều trị
Chân vòng kiềng ở trẻ là do sinh lý, mẹ đừng quá lo lắng
Theo BS. Đặng Phương Liên-Chuyên khoa Nội-Bộ Y tế, chân vòng kiềng ở trẻ sơ sinh hoàn toàn không có gì đáng lo ngại tới sức khỏe. Tuy nhiên điều này chỉ gây nên sự mất thẩm mỹ nếu hiện tượng này vẫn còn ngay cả khi bé đã lớn. Đa số trẻ dưới 6 tháng đều có thể bị cong chân sinh lý do tư thế nằm khi còn trong bụng mẹ. Bố mẹ không cần phải xoa bóp hay tác động gì đến chân của bé. Khi bé được 1 tuổi, chân bé sẽ tự động thẳng ra do xương lúc này tự điều chỉnh khi bé thường xuyên đi đứng và vận động nhiều. Từ 2-4 tuổi, hai đầu gối của bé có thể vẹo vào bên trong một chút. Nhưng khi bé được 4-6 tuổi, hai chân của bé sẽ tự động thẳng trục trở lại. Với những bé trong trường hợp này thì hoàn toàn không cần đến bất kì điều trị hay tác động gì, bố mẹ chỉ cần theo dõi và tái khám 3 – 6 tháng mỗi lần là được.
Sự phát triển bình thường ở trẻ nhỏ:
- Trẻ dưới 1 tuổi: gối vẹo vào trong 10 – 15 độ
- Từ 1 – 2 tuổi: sự cong vẹo này sẽ giảm dần và thẳng trở lại khi bé được 2 tuổi
- Từ 2 – 4 tuổi: gối bé vẹo dần ra ngoài đến 10 độ, sau đó giảm dần.
- Từ 7 – 13 tuổi: gối đã ổn định dần, có thể sẽ hơi vẹo ra ngoài 5 độ.
- Khoảng cách giới hạn giữa hai lồi cầu đùi sau khi áp nhẹ hai mắc cá trong là 10 cm.
Chữa chân vòng kiềng của bé như thế nào?
Phần lớn, các bé sơ sinh dưới 6 tháng tuổi đều bị cong chân do tư thế nằm ở trong bụng mẹ. Điều đó được gọi là cong chân sinh lý không cần tác động gì, đến khi bé 1 tuổi, chân bé sẽ tự thẳng. Bởi khi đó bé vận động và đi nhiều, nên xương tự điều chỉnh.
Nếu trên 1 tuổi (từ 14-15 tháng) bé vẫn bị chân vòng kiềng thì mới cần can thiệp. Khi ở mức độ nhẹ, có thể buổi tối khi đi ngủ bố mẹ dùng vải cuốn buộc hai chân bé lại với nhau, sáng sớm cởi bỏ ra, bố mẹ không tự cuốn mà phải có sự hướng dẫn của kỹ thuật viên vật lý trị liệu.
Phương pháp chữa trị chính cho bệnh vòng kiềng bẩm sinh hiện là nẹp – bó bột và phẫu thuật sắp lại xương. Tuy nhiên, chỉ khi nào phương pháp bó chân không có kết quả thì các bác sĩ mới can thiệp bằng phẫu thuật.
Phòng ngừa chân vòng kiềng cho trẻ bằng cách
- Nên cho con bú sữa mẹ đến 24 tháng hoặc ít nhất 6 tháng đầu đời: Vì trong sữa mẹ có nhiều dinh dưỡng, vitamin rất tốt cho sự phát triển xương của bé, vì vậy cần cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong ít nhất sáu tháng đầu.
- Khi bé đến tuổi ăn dặm, bố mẹ cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất, cung cấp đủ lượng calci và vitamin D cần thiết từ các sản phẩm từ sữa, lòng đỏ trứng… cho bé.
- Không cho bé tập đi sớm, thời gian thích hợp để tập đi cho con là khi bé ngoài 9 tháng. Sau 9 tháng, nếu có nhu cầu thực sự thì bố mẹ mới nên cho con ngồi xe tập. Cần tránh việc tập đi cho bé bằng phương pháp đỡ 2 nách dìu con đi từng bước.
- Với những bé trên 2 tuổi, bố mẹ có thể tập cho con khỏi dáng đi vòng kiềng bằng cách khuyến khích bé thực hiện các động tác thể dục nhẹ nhàng như vươn vai, chống tay lên hông, nhảy theo nhạc…Qua đó, bố mẹ có thể tạo thói quen giữ thẳng vai, lưng, hông cho con và giúp đôi chân bé săn chắc hơn.