Có rất nhiều mẹ khi thấy con bị sốt liền dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn để tránh trường hợp bé uống thuốc vào nôn ra. Tuy nhiên nếu sử dụng sai cách, lạm dụng thuốc sốt đặt hậu môn cho trẻ sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Sốt là khi thân nhiệt cơ thể từ 37,5 độ C đến 38 độ thì chưa cần dùng thuốc hạ nhiệt mà chỉ cần cởi bớt quần áo, cho trẻ uống nhiều nước hoặc bú sữa mẹ nhiều hơn. Sốt trên 38,5 độ C mới cần cho bé uống thuốc hạ sốt. Trong trường hợp bé nôn, không uống được thì có thể dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn.
Thuốc hạ sốt đặt hậu môn cho trẻ là gì?
Thuốc hạ sốt đặt hậu môn là một dạng thuốc hạ sốt được bào chế dưới dạng viên đạn hoặc hình thủy lôi dùng để đặt hậu môn. Loại thuốc này được dùng chủ yếu được dùng cho trẻ nhỏ và người cao tuổi trong trường hợp đặc biệt. Thuốc tan rã ra nhanh chóng ngay sau khi đặt vào trực tràng và được giữ ở vị trí cần thiết, có tác dụng hạ sốt nhanh chóng.
Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc đặt hậu môn không đúng cách có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ.
Các lưu ý khi dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn cho trẻ
1. Không uống và đặt thuốc hạ sốt cùng lúc
Loại thuốc hạ sốt đặt hậu môn được dùng trong trường hợp trẻ bị nôn trớ, dị ứng với thuốc. Nếu trẻ uống được thì không nên đặt thuốc hạ sốt hậu môn. Nếu dùng cả 2 sẽ dẫn đến quá liều, gây sốc thuốc, gây co giật, đe dọa đến tính mạng.
2. Vệ sinh sạch sẽ hậu môn cho trẻ
Trước khi đặt thuốc hậu môn cho trẻ thì các mẹ cần phải vệ sinh sạch sẽ hậu môn của trẻ và tay của mình để tránh vi khuẩn xâm nhập khi cơ thể miễn dịch đang yếu.
3. Bảo quản thuốc ở nhiệt độ lạnh
Khi dùng thuốc đặt hậu môn cho trẻ thì bạn cần lưu ý thuốc phải được bảo quản ở nhiệt độ lạnh để trong ngăn mát tủ lạnh với nhiệt độ từ 2oC – 8 oC. Tốt nhất trước khi dùng thì nên để vào đá hay ngăn mát tủ lạnh khoảng 2 – 3 phút để bảo đảm đủ độ cứng, dễ dàng đưa thuốc vào trực tràng của trẻ.
4. Cách đặt thuốc hạ sốt hậu môn
Đặt trẻ nằm nghiêng một bên dốc mông lên cao. Một tay giữ mông và lộ vùng hậu môn, tay còn lại nhẹ nhàng đặt thuốc hạ sốt vào hậu môn của trẻ cách hậu môn khoảng 1 cm (khoảng cách sẽ giúp thuốc hấp thu tốt nhất, không chuyển hóa đến gan), đầu nhọn vào đưa vào trước. Động tác cuối cùng là khép giữ hai nếp mông của trẻ để thuốc không rơi ra ngoài trong 3 phút.
Có một số trường hợp khi đặt thuốc khiến trẻ phải gồng người lên, bố mẹ thường dùng sức mạnh để cố gắng đưa thuốc vào trong hậu môn khiến bé cảm thấy đau rát, dễ bị viêm nứt kẽ hậu môn, nhiễm khuẩn, tiêu chảy,… nếu lạm dụng.
Khi trẻ bị sốt, bạn không nên mặc nhiều quần áo cho con, lấy khăn ấm hạ nhiệt bằng cách lau những vùng nách, 2 bên bẹn, cổ để giúp tỏa nhiệt nhanh. Nên cho trẻ uống nhiều nước vì trẻ đang bị mất nước nên cần phải bù nước và điện giải. Bạn có thể cho trẻ uống nước Oresol 27,5g với 1 lít nước đun sôi để nguội cho bé uống dần hoặc cho trẻ uống thêm nước cam, chanh. Bổ sung dưỡng chất để cơ thể trẻ nhanh chóng phục hồi lại sức khỏe.
Nếu trẻ bị sốt kèm triệu chứng khác dù dùng thuốc hạ sốt không hạ, sốt liên tục thì nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám.