Với đặc điểm nóng ẩm của mùa hè là cơ hội để vi khuẩn, virus sinh sôi gây bệnh. Ở trẻ nhỏ do sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa được hoàn thiện nên vào mùa hè trẻ rất dễ mắc bệnh. Các bệnh nguy hiểm vào mùa hè trẻ nhỏ hay gặp dưới đây sẽ giúp các mẹ hiểu rõ và phòng bệnh tốt hơn.
Các bệnh nguy hiểm vào mùa hè trẻ nhỏ hay gặp
1. Tay chân miệng
Bệnh này do virus Enterovirus (E71) và Coxcakieruses gây nên lây chủ yếu theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Triệu chứng bệnh chân tay miệng bao gồm: sốt nhẹ, đau miệng, đau họng, chảy nước miếng, biếng ăn,… Trong miệng trẻ còn xuất hiện các vết loét đỏ.
Khi trẻ có những triệu chứng này, hãy đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để điều trị sớm. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh càng diễn biến xấu dẫn đến co giật, gồng người lên, run chi, thở nhanh. Biến chứng của bệnh tai chân miệng là trẻ sẽ bị viêm cơ tim, phù phổi, viêm màng não,…
2. Bệnh tiêu chảy
Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng vào mùa hè là thời điểm phát bệnh cao do thức ăn bị ruồi đậu, nguồn nước bị ô nhiễm, ăn hoa quả sống rửa không sạch. Các triệu chứng: trẻ đi ngoài liên tục ngày trên 5 lần hoặc chục lần, đau bụng, nôn ói, ít ăn, đi tiểu ít,…
Tiêu chảy cấp ở trẻ em nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm: mất nước điện giải, suy dinh dưỡng, suy hô hấp, nhiễm trùng đường ruột,…
Khi trẻ bị tiêu chảy cấp, việc quan trọng đầu tiên là bù chất điện giải bằng đường uống dung dịch oresol hoặc truyền dịch chỉ thực hiện khi mất nước nặng, trẻ nôn nhiều, không thể uống được. Việc dùng kháng sinh phải theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không nên tự ý cho trẻ uống.
3. Bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu do siêu vi Varicella zoster gây ra tổn thương dạng bóng nước trên da và niêm mạc. Sau khi virus xâm nhập vào cơ thể sẽ ủ bệnh khoảng 10 ngày rồi xuất hiện các triệu chứng: sốt, đau đầu, uể oải, chán ăn,… Lúc này, trên da có những hồng ban, sau 1-2 ngày mới xuất hiện nốt đậu. Mụn nước lúc đầu có chứa chất dịch trong, khoảng 1 ngày sẽ đục bọng mủ rồi vỡ ra, nếu không chăm sóc cẩn thận dễ để lại sẹo trên da.
Bệnh thủy đậu lây truyền rất nhanh nên sẽ lây cho người khác qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc quần áo, vật dụng cá nhân. Khi phát bệnh, không cho trẻ ra ngoài gió, giữ gìn vệ sinh phòng riêng sạch sẽ, cách ly 7 – 10 ngày. Hạn chế cho bé gãi, cao các nốt mọc thủy đậu sẽ gây nhiễm trùng. Kiêng các đồ nếp, thịt đỏ, đồ tanh hải sản để da bé không bị kích ứng để lại sẹo.
4. Viêm màng não
Tỉ lệ trẻ mắc bệnh viêm màng não vào mùa hè sẽ cao hơn mùa mưa. Đây là căn bệnh do virus Arbo gây ra. Bệnh khá nguy hiểm nếu không phát hiện điều trị kịp thời sẽ khiến bé dễ bị tử vong hoặc để lại di chứng nặng về sau (dị tật tai, mắt, tim). Biểu hiện nhận biết bệnh: sốt cao, chảy nước mũi, tiêu chảy, nôn trớ, rối loạn ý thức, sợ ánh sáng, biếng ăn, co giật, hôn mê,…
Khi trẻ có các biểu hiện trên cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được khám và điều trị nhằm hạn chế được những biến chứng. Tiêm chủng vắc-xin viêm não Nhật Bản là cách phòng bệnh tốt nhất.
5. Sốt xuất huyết
Vào mùa hè, nhiều trẻ mắc bệnh xuất huyết, đây là bệnh lây từ muỗi sang người. Khi trẻ mắc bệnh sẽ có dấu hiệu là sốt cao đột ngột kèm theo mặt đỏ phừng, da sung huyết, đau nhứt cơ, đau đầu, đau họng, buồn nôn. Ở trẻ sơ sinh nếu bị sốt xuất huyết sẽ chảy nước mũi, tiêu chảy,…. Nếu không điều trị kịp thời, đúng cách, sẽ để lại các di chứng như rối loạn đông máu, suy hô hấp, tổn thương gan, rối loạn tri giác, dẫn đến tử vong,..
Phòng các bệnh vào mùa hè cho trẻ
- Trước tiên, cần tắm gội vệ sinh thân thể cho trẻ mỗi ngày. Thường xuyên thay quần áo để tránh mồ hôi khó chịu, gây ngứa ngáy, nhiễm nấm.
- Nên cho trẻ ăn nhiều rau quả có chứa vitamin C và các khoáng chất cần thiết giúp cơ thể trẻ tăng cường sức đề kháng.
- Nếu vào mùa hè, chỉ cho bé chơi ngoài trời vào buổi sáng sớm và chiều muộn để tránh ánh nắng ảnh hưởng đến làn da và sức khỏe của trẻ.
- Không cho trẻ uống nhiều nước đá, không nên ăn thức ăn lạnh.
- Không để quạt điện xối thẳng vào người sẽ khiến trẻ dễ bị nhiễm lạnh.
- Tiêm phòng các vắc xin để phòng bệnh cho trẻ.
Hy vọng rằng với những thông tin bổ ích trên sẽ giúp các bậc phụ huynh có thêm nhiều kiến thức trong việc chăm sóc con mình. Phòng bệnh hơn chữa bệnh để trẻ phát triển toàn diện.