Lao màng phổi là dạng bệnh trong nhóm lao ngoài, không lây lan với biểu hiện thường thấy: đau ngực, khó thở tăng dần kèm theo sốt cao kéo dài & có dịch trong màng phổi. Phác đồ điều trị lao màng phổi tương tự lao phổi.
Lao màng phổi là gì?
Lao màng phổi là dạng bệnh gặp trong các bệnh lao ngoài phổi chiếm khoảng 5% trong các thể lao và đứng thứ 2 trong số bệnh lao ngoài phổi (sau lao hạch bạch huyết). Trong các bệnh tràn dịch màng phổi thì nguyên nhân do lao chiếm 70-80%. Bệnh xuất hiện ở tuổi trẻ nhiều hơn các lứa tuổi khác. Đối tượng dễ mắc bệnh là: Trẻ em chưa được tiêm vắc xin BCG để phòng lao, trẻ bị lao sơ nhiễm nhưng được phát hiện muộn, điều trị không đúng; những người tiếp xúc thường xuyên, trực tiếp với bệnh nhân lao phổi có AFB dương tính; những đợt tiến triển của lao phổi; nhiễm lạnh đột ngột; chấn thương lồng ngực.
Bệnh lao màng phổi có lây không?
Phải khẳng định rằng, lao màng phổi không lây trừ khi bạn bị lao màng phổi kèm theo lao phổi.
Triệu chứng lao màng phổi thường gặp là
Khi bị lao màng phổi, nếu ở thể khởi phát, bệnh nhân thường có triệu chứng cấp:
- Đau ngực, khó thở tăng dần, sốt, khám có hội chứng 3 giảm vùng màng phổi bị tràn dịch.
- Bệnh cũng có thể xuất hiện từ từ với các dấu hiệu: Sốt nhẹ về chiều, đau ngực ít hơn, ho khan và khó thở tăng dần.
- Còn ở giai đoạn toàn phát, bệnh nhân có biểu hiện: Xanh xao, mệt mỏi, gầy sút, sốt liên tục, nhiệt độ dao động 39-40oC, mạch nhanh, huyết áp hạ, nôn, nước tiểu ít…
- Cũng có trường hợp ho khan từng cơn, đau ngực, khó thở thường xuyên. Khi dịch màng phổi ít, bệnh nhân thường nằm nghiêng bên lành; dịch nhiều bệnh nhân thường nằm nghiêng bên bệnh hoặc ngồi dựa tường để thở.
Để chẩn đoán lao màng phổi trước tiên phải xác định xem màng phổi có dịch hay không bằng thăm khám và chụp X.quang phổi; siêu âm để xác định được các ổ dịch khu trú; hút dịch màng phổi để xét nghiệm tìm vi khuẩn lao. Bên cạnh đó có thể tìm vi khuẩn lao trong dịch màng phổi bằng kỹ thuật nuôi cấy, kỹ thuật sinh học phân tử như PCR, Genxpert, xét nghiệm mô bệnh học màng phổi.
Ngoài ra còn phải phân tích các thay đổi về tế bào và sinh hoá, sinh thiết màng phổi qua thành ngực hoặc nội soi màng phổi để vừa quan sát rõ vừa sinh thiết chính xác được tổn thương… Do đó, tốt nhất bạn đến các bệnh viện chuyên ngành về bệnh lao để được xét nghiệm, chẩn đoán một cách chính xác nhất.
Điều trị bệnh lao màng phổi như thế nào?
Nguyên tắc điều trị lao màng phổi là: Phải chọc hút dịch màng phổi sớm và triệt để; phải chẩn đoán và điều trị thuốc lao càng sớm càng tốt; phải tập phục hồi chức năng chống dày dính màng phổi và để lại di chứng sau này.
Để điều trị khỏi bệnh lao màng phổi, bác sĩ chỉ định dùng thuốc chống lao theo đường toàn thân và thuốc chống dính màng phổi. Bên cạnh đó, bệnh viện còn phải tiến hành hút dịch cho bệnh nhân (mỗi tuần 2-3 lần) cho tới khi hết dịch. Khi có biến chứng ổ cặn màng phổi, dày dính màng phổi nhiều, dò màng phổi – thành ngực, dò màng phổi – phế quản gây ho khạc mủ… cần điều trị kết hợp ngoại khoa.
Việc điều trị lao màng phổi cũng phải dùng thuốc dài ngày giống như điều trị lao phổi (6-8 tháng). Khi uống thuốc chống lao cần tuân thủ nguyên tắc là đúng liều, đúng thời gian, dùng thuốc đều đặn, theo hai giai đoạn tấn công và duy trì. Trong giai đoạn uống thuốc duy trì, bệnh nhân có thể điều trị tại nhà, nhưng phải khám bệnh định kỳ theo hẹn và đến khám khi có bất thường.
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.