Bạch cầu có chức năng bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng, bệnh tật. Số lượng bạch cầu của người bình thường khoảng 7.000 bạch cầu/mm3, tăng khi mắc bệnh cấp tính, bạch huyết.
Bạch cầu là gì, có chức năng gì?
Bạch cầu là tế bào có chức năng như một phần của hệ thống miễn dịch của cơ thể con người, giúp bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng và bệnh tật. Số lượng bạch cầu trong một đơn vị máu được kí hiệu là WBC (white blood cell). Một người bình thường thì giá trị của WBC trung bình là khoảng 7.000 bạch cầu/mm3 máu (dao động từ 4.000 – 10.000 bạch cầu/mm3). Số lượng bạch cầu sẽ tăng cao khi mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, bệnh bạch huyết cấp hay mãn tính.
Bạch cầu gồm các loại như: đa nhân trung tính (1.700 – 7.000 trong 1 mm3), đa nhân ái toan (50 – 500 trong 1 mm3), đa nhân ái kiềm (10 – 50 trong 1 mm3), mono bào (100 – 1.000 trong 1 mm3), bạch cầu lympho (1.000 – 4.000 trong 1 mm3).
Bạch cầu cấp là do các tế bào máu bị ung thư hóa trong quá trình tạo ra các tế bào máu. Số lượng các tế bào ung thư tăng lên rất nhanh, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Nguyên nhân gây tăng lượng bạch cầu là do nhiễm khuẩn từ vi khuẩn, ký sinh trùng hay khi các cơ quan trong cơ thể bị nhiễm khuẩn do bị viêm phổi, áp-xe gan hoặc khi bị bệnh ung thư.
Chỉ số bạch cầu bình thường là bao nhiêu?
Bình thường số lượng bạch cầu trung bình trong máu khoảng 7000/mm3. Tăng trong các bệnh nhiễm khuẩn cấp, viêm hoặc Leukemia. Giảm trong các trường hợp suy tuỷ.
Chỉ số bạch cầu bình thường ở trẻ em là bao nhiêu?
Trên thực tế, số lượng bạch cầu thay đổi theo tuổi, khi trẻ càng nhỏ thì số lượng bạch cầu sẽ cao hơn so với những trẻ lớn. Cụ thể:
- Ở trẻ sơ sinh sẽ là từ 10.000 – 30.000/mm3 (10 – 30 X 109/L).
- Ở trẻ < 1 tuổi sẽ là 10.000 – 12.000/mm3 (10 – 12 X 109/L).
- Ở trẻ > 1tuổi sẽ là 6.000 – 8.000/mm3 (6 – 8 X 109/L).
Đồng thời, công thức bạch cầu cũng sẽ thay đổi dần theo tuổi. Cụ thể :
- Ở bạch cầu hạt trung tính: Với trẻ sơ sinh trong những giờ đầu sau sinh sẽ là 65%. Từ ngày thứ 5 – 7 sẽ là 45%; Với trẻ từ 9 – 10 tháng sẽ là 30% ; Với trẻ từ 5 – 7 tuổi sẽ là 45% ; với trẻ 14 tuổi sẽ là 65%.
- Ở bạch cầu lympho: Với trẻ sơ sinh trong những giờ đầu sau sinh sẽ là 20 – 30% ; ngày thứ 5 – 7 sẽ là 45% ; với trẻ 9 – 10 tháng sẽ là 60% ; với trẻ 5 – 7 tuổi: 45%; với trẻ 14 tuổi: 30%.
- Ở bạch cầu ưa acid, chỉ số bạch cầu bình thường ở trẻ là 2% ; bạch cầu đơn nhân là 6 đến 9% ; bạch cầu ưa kiềm là 0,1 – 1%.