Chỉ số xét nghiệm gan với các chỉ số quan trọng: AST, ALT, AP và GGT trong trường hợp men gan bình thường, men gao cao và kết luận đánh giá chức năng gan từ kết quả xét nghiệm.
Men gan là gì?
Trong gan có hệ thống ezym rất hoàn chỉnh để thực hiện hoạt động tổng hợp và chuyển hóa chất. Gọi chung là men gan. Khi tế bào gan bị tổn thương nhiều thì men gan sẽ tăng do lượng enzym phóng thích vào máu càng nhiều. Đó là lí do tại sao chỉ số men gan có thể xem là một biển báo vàng cho sức khỏe lá gan.
Xét nghiệm máu cho chỉ số men gan phản ánh tình trạng sức khỏe gan.
Có 4 men gan khác nhau được đưa vào trong các xét nghiệm thông thường, đó là AST (SGOT), ALT (SGPT), AP và GGT.
AST và ALT là 2 loại enzym cơ bản trong men gan tuy nhiên chúng cũng có một lượng nhất định tồn tại trong máu. Ở người bình thường, 2 chỉ số này dao động trong khoảng 20 U/L – 40 U/L. Khi các chỉ số tăng vượt ngưỡng trung bình chứng tỏ gan đang bị tổn thương.
Nồng độ các men này chỉ tăng trong các trường hợp:
- Viêm gan do virus
- Gan nhiễm mỡ
- Bệnh gan do rượu, bệnh gan do thuốc
- Viêm gan tự miễn, nhiễm độc thảo mộc
- Bệnh gan di truyền, u gan, suy gan…
Đây là 2 giá trị quan trọng nhất trong xét nghiệm máu để xác định gan bị tổn thương.
Chỉ số men gan là gì, bao nhiêu là bình thường?
Chỉ số men gan là chỉ số phản ánh tình trạng sức khỏe của gan. Chỉ số men gan bao gồm các chỉ số AST, ALT, GGT và AP. Các chỉ số men gan này được cho là bình thường khi:
- Chỉ số AST (hay còn gọi là chỉ số SGOT) trong mức 20 – 40 UI/L
- Chỉ số ALT (hay còn gọi là chỉ số SGPT) trong khoảng 20 – 40 UI/L
- Chỉ số GGT ở mức từ 3 – 60 UI/L
- Chỉ số ALP vào khoảng 35 – 115 UI/L
Nếu một hay nhiều các chỉ số xét nghiệm men gan trên mà vượt quá mức quy định thì có thể người bệnh đã bị men gan cao. Do đó, chỉ số men gan càng cao chứng tỏ tình trạng tổn thương của gan càng lớn.
Khi tăng men gan cần làm gì?
- Đầu tiên, cần làm xét nghiệm viêm gan, đặc biệt là viêm gan B và C. Riêng viêm gan B, ngoài xét nghiệm xem HBsAg khi có dương tính còn cần làm thêm xét nghiệm HBeAg, HBsAb, antiHBeAg… Nếu có điều kiện, cần xét nghiệm định lượng ADN của virus.
- Nếu men gan tăng có nguyên nhân do viêm tắc đường dẫn mật thì cần điều trị triệt để nguyên nhân.
- Nếu viêm gan do rượu, cần kiêng rượu, bia và các loại nước giải khát có cồn.
- Nên đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ để được bác sĩ theo dõi và đánh giá tiến triển của bệnh. Không ăn mỡ động vật, các loại thức ăn chiên, xào nhiều dầu mỡ. Ngoài ra cũng nên vận động một cách nhẹ nhàng.
- Không nên tự ý mua các loại thuốc Nam hay thuốc Ðông y theo lời truyền miệng để điều trị. Các loại thuốc chưa được kiểm chứng khoa học hoặc chưa có bằng chứng rõ ràng sẽ dẫn đến nhiều hậu quả tai hại, làm bệnh gan thêm trầm trọng hoặc không thể cứu chữa.