Hạ đường huyết và tụt huyết áp có biểu hiện giống nhau nhưng thật chất là 2 bệnh khác nhau: hạ đường huyết đo bằng lượng đường trong máu còn huyết áp thấp đo bằng lượng huyết áp tối thiểu.
Hạ đường huyết và tụt huyết áp có phải là một?
Hạ huyết áp và hạ đường huyết thường có biểu hiện giống nhau nên nhiều người vẫn quan niệm hạ huyết áp và hạ đường huyết là cùng một loại tuy nhiên đây là 2 căn bệnh hoàn toàn khác nhau. Hạ huyết áp là bệnh lý tim mạch, trong khi đó hạ đường huyết lại liên quan đến chuyển hóa của cơ thể.
Hạ huyết áp là tình trạng huyết áp tối đa nhỏ hơn 90mmHg và huyết áp tối thiểu nhỏ hơn 60mmHg. Khi bị hạ huyết áp, người bệnh sẽ có những biểu hiện như mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu và dễ bị choáng ngất, tim đập nhanh…
Mặc dù có những biểu hiện giống hạ huyết áp, nhưng thực tế hạ đường huyết lại là một khái niệm hoàn toàn khác. Bởi hạ đường huyết là do lượng đường huyết giảm xuống dưới mức 70mg/dl, khi đó người bệnh cũng sẽ có những biểu hiện mệt mỏi, tim đập nhanh, kèm theo tình trạng chân tay run, vã mồ hôi và có thể bị ngất.
Nguyên nhân gây hạ đường huyết
Bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 dễ dẫn đến tình trạng bị hạ đường huyết. Nguyên nhân là do insulin trên cơ thể giảm sút đáng kể, vì tuyến tụy không sản xuất đủ (bệnh tiểu đường tuyp1) hoặc do các tế bào kém đáp ứng với nó (bệnh tiểu đường tuyp 2). Nếu mất quá nhiều insulin hơn nhiều so với lượng đường trong máu, nó có thể làm lượng đường trong máu giảm quá thấp, dẫn đến hạ đường huyết.
- Tác động của thuốc chữa bệnh tiểu đường.
- Uống quá nhiều rượu bia.
- Quá đói cũng là nguyên nhân gây hạ đường huyết.
- Sau bữa ăn vì cơ thể sản xuất insulin nhiều hơn là cần thiết…
Để biết chính xác nguyên nhân gây tụt huyết áp và hạ đường huyết, người bệnh cần đi khám. Căn cứ trên kết quả khám, bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác nguyên nhân và đưa ra tư vấn điều trị phù hợp nhất cho người bệnh.
Nguyên nhân gây tụt huyết áp
Tụt huyết áp có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, trong đó có thể liệt ra các nguyên nhân cơ bản như sau:
- Mất nước do bị nôn ói, tiêu chảy, sốt cao, không uống đủ nước hoặc do luyện tập ra nhiều mồ hôi… dễ dấn đến tụt huyết áp.
- Mất máu là nguyên nhân trực tiếp gây tụt huyết áp. Các trường hợp mất máu gây tụt huyết áp nhanh gồm tai nạn, phẫu thuật, hiến máu…
- Mắc các bệnh về tim như cơ tim yếu, nghẽn tim, nhịp tim nhanh bất thường… sẽ khiến cho máu không lưu thông ổn định qua tim có thể dẫn đến tụt huyết áp.
- Viêm nội tạng hoặc gặp các vấn đề về nội tiết là nguyên nhân gây tụt huyết áp không thể bỏ qua.
- Thiếu hụt dinh dưỡng…
Phòng ngừa tụt huyết áp và hạ đường huyết thế nào?
Đối với bệnh nhân bị hạ đường huyết: Khi bị hạ đường huyết, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, dừng mọi công việc đang làm, nhanh chóng cho bệnh nhân bổ sung đường huyết bằng cách cho ăn những đồ ăn nhẹ như cháo loãng, súp hoặc uống một cốc nước đường, nước ngọt… Với các trường hợp nặng hơn, cần gọi ngay bác sĩ để có thể tiêm bổ sung dung dịch ngọt.
Đối với trường hợp bệnh nhân bị tụt huyết áp, cần cho bệnh nhân uống một số loại đồ uống như nước trà gừng, nước sâm… hoặc ăn sôcôla để cải thiện huyết áp tạm thời, để bệnh nhân nằm nghỉ nơi thoáng mát, đầu hơi ngửa, hai chân nâng cao. Nếu bệnh nhân bị nặng hơn thì có thể phải truyền dịch hoặc uống thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ.
Phòng ngừa hạ đường huyết và tụt huyết áp
Để phòng ngừa hạ đường huyết và tụt huyết áp, chúng ta cần dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, làm việc, lao động ở mức vừa phải, ăn uống điều độ, đủ dinh dưỡng, tuyệt đối không được nhịn đói, tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc, tránh xa căng thẳng – stress, hạn chế tối đa đồ uồng có cồn, thuốc lá và các chất kích thích khác…