Trào ngược axit dạ dày, loét dạ dày tá tràng, hội chứng ruột kích thích và bệnh không dung nạp lactose là những bệnh về đường tiêu hóa hay gặp nhất ở người trưởng thành.
4 bệnh đường tiêu hóa hay gặp nhất ở người lớn
1/ Hội chứng ruột kích thích (IBS)
Hội chứng ruột kích thích là gì? Là một loại bệnh về đường ruột, thường có triệu chứng đau bụng, táo bón, tiêu chảy. Thường thì hội chứng ruột kích thích không có nguyên nhân xác định cụ thể.
Ai dễ mắc bệnh?
Phụ nữ có khả năng mắc bệnh IBS cao gấp hai lần so với nam giới. Và hội chứng IBS thường gặp nhiều ở tuổi vị thành niên và giai đoạn bắt đầu trưởng thành.
Lời khuyên
Hiện không có cách điều trị cho hội chứng ruột kích thích, mà cách tốt nhất là bạn nên thay đổi cách sống, để có thể giảm bớt các triệu chứng. Bạn có thể tăng cường ăn các thực phẩm nhiều chất xơ, tập thể dục thường xuyên, tránh các chất kích thích như rượu, cà phê. Bác cũng có thể nhờ bác sĩ kê thuốc để giảm các triệu chứng khi cần thiết.
2/ Trào ngược axit
Trào ngược axit là gì?
Trào ngực axit là thuật ngữ phổ biến dùng cho bệnh trào ngược dạ dày, hay trào ngược thực quản. Đây là bệnh mà ở đó thức ăn hoặc chất lỏng di chuyển từ dạ dày vào thực quản do cơ vòng thực quản dưới không kín (đây là cơ có vai trò giúp dạ dày đóng kín lại). Triệu chứng của trào ngược axit bao gồm: ợ nóng, trào ngược và khó nuốt. Nặng hơn, bệnh có thể dẫn đến viêm loét, gây tổn thương ở răng và thực quản.
Ai dễ bị mắc bệnh? Hầu hết mọi người đều có thể ợ nóng thường xuyên, nhưng nhóm có nguy cơ mắc bệnh trào ngược axit cao là phụ nữ mang bầu, người thừa cân và người trên 40 tuổi.
Lời khuyên: Thay đổi phong cách sống có thể sẽ tạo nên sự khác biệt và tránh được bệnh này. Bạn nên tránh hút thuốc lá và uống các chất có cồn hoặc các thức ăn chua, cay. Bạn có thể sử dụng các chất làm giảm độ axit để giảm bớt các triệu chứng sau bữa ăn và trước khi đi ngủ. Nếu bệnh của bạn nặng hơn, thì có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để dùng thuốc cho phù hợp
3/ Loét dạ dày tá tràng
Loét dạ dày tá tràng là gì?
Loét dạ dày tá tràng là vết loét hình thành từ niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng (phần trên của ruột non), khi lớp niêm mạc ấy bị bào mòn bởi một loại dịch tiêu hóa có tính axit. Hầu hết các vết loét dạ dày tá tràng đều do vi khuẩn H.pylori – một loại vi khuẩn làm viêm nhiễm dạ dày – gây ra.
Ngoài vi khuẩn này ra thì các yếu tố khác như di truyền, hút thuốc lá, uống rượu, căng thẳng cũng có thể góp phần gây nên bệnh. Các loại thuốc kháng viêm không steroid như ibprofen hay axetylsali cũng có thể làm suy yếu niêm mạc dạ dày, dẫn đến viêm loét dạ dày. Triệu chứng của bệnh bao gồm: đau bụng, chán ăn, buồn nôn, sút cân.
Ai dễ bị mắc bệnh?
Có khoảng trên 8 triệu người niễm vi khuẩn H.pylori, nhưng chỉ 10-15% trong số đó bị loét dạ dày tá tràng. Đàn ông dễ bị viêm loét hơn so với phụ nữ.
Lời khuyên
Phương pháp điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu loét do các loại thuốc kháng viêm gây ra thì có thể bạn sẽ phải dùng thêm các loại thuốc ức chế axit để hỗ trợ quá trình điều trị. Nếu loét do vi khuẩn H.pylori gây ra thì bạn cần dùng đến kháng sinh. Bạn cũng cần tránh hút thuốc, uống rượu và các chất kích thích trong quá trình điều trị bệnh.
4/ Chứng không dung nạp lactose
Không dung nạp lactose là gì?
Đây là tình trạng không có khả năng tiêu hóa lactose – một loại đường có trong sữa và các sản phẩm của sữa. Những người bị hội chứng này thường có biểu hiện đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy sau khi ăn các sản phẩm từ sữa sau khoảng 30 phút đến 2 tiếng.
Dù không dung nạp lactose có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu, nhưng hội chứng này không ảnh hưởng lâu dài.
Ai dễ mắc bệnh?
Ước tính có khoảng 70% dân số thế giới gặp khó khăn trong việc tiêu hóa lactose. Hội chứng này thường xảy ra khi bạn ở giai đoạn còn là trẻ nhỏ, hoặc cuối thời kỳ dậy thì. Tuy nhiên, hội chứng này có thể chỉ xảy ra ở một giai đoạn nhất định, và với nhiều người nó không kéo dài.
Lời khuyên
Bạn có thể tránh sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa. Bạn cũng có thể lựa chọn các sản phẩm có lượng lactose thấp như sữa đậu nành hoặc sữa gạo. Bạn cũng có thể uống một số men tiêu hóa để làm giảm bớt các triệu chứng. Bạn nên bổ sung các loại vitamin cần thiết như canxi và vitamin D – là những chất có rất nhiều trong sữa.