Trẻ sơ sinh hay bị các bệnh ngoài da như: hăm tả, cứt trâu, nổi phát ban, hạt kê, ghẻ, mụn mủ trên đầu là do da trẻ dễ bị mẫn cảm với thời tiết, hệ miễn dịch trẻ còn yếu. Xử lý những vấn đề này không khó, chỉ cần các mẹ chú ý là có thể trị sớm cho trẻ, không bị tái phát.
Những bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ sơ sinh & cách xử lý
1/ Hăm tả ở trẻ sơ sinh
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chứng hăm tã của trẻ sơ sinh là do môi trường ẩm ướt và vi khuẩn trú ngụ trong tã suốt nhiều giờ liền. Do đó, nguyên tắc để bảo vệ vùng da bẹn cho các bé là mẹ phải thường xuyên thay tã cho bé. Thời gian đầu, bạn có thể thay ngay khi tã ướt hoặc bẩn để tránh dẫn đến tình trạng da căng bóng và nổi mụn mủ. Nếu bé có triệu chứng tấy đỏ, mẹ nên dùng những loại kem trị hăm được bác sĩ chỉ định để thoa trực tiếp lên vùng hăm. Trước khi mang tã mới cho trẻ, mẹ phải chắc chắn vùng da bé đã được xử lý sạch sẽ và khô thoáng. Chịu khó để bé được “nuy” trong thời gian bị hăm sẽ giúp bé mau lành hơn. Nếu đã dùng thuốc mà tình trạng hăm vẫn không thuyên giảm, mẹ nên đưa bé đến bác sĩ.
2/ Rôm sẩy vào mùa nóng
Hầu hết, các trẻ nhỏ thường bị rôm sảy vào những ngày cao điểm nắng nóng, khi mà mồ hôi thay vì thoát ra ngoài để làm mát cơ thể lại bị ứ đọng lại.
Rôm sảy rất dễ nhận biết bằng những hạt hồng lấm chấm, hơi cứng và có thể có nước. Vị trí rôm nổi nhiều nhất thường là lưng, bã vai, bắp tay, bắp chân, ngực.
Để giúp trẻ thoát khỏi những ngứa ngáy khó chịu do rôm, mẹ nên cho bé mặc đồ có chất liệu thoáng mát, hút ẩm tốt; để bé được tự chơi thay vì ẵm bồng vào người; lau hoặc thay áo ngay khi mồ hôi đổ nhiều; tắm rửa hàng ngày bằng nước mát hoặc nước mướp đắng để làm đét nốt rôm và tuyệt đối không làm trầy xướt vùng da nổi rôm.
3/ Lác sữa ở trẻ trên 6 tháng tuổi
Hiện tượng lác sữa phổ biến hơn với những trẻ đã 6 tháng tuổi. Lác sữa có thể nổi ở hai má, mặt và có thể lan đến mình lẫn tay chân.
- Khi bắt đầu phát bệnh, lác sữa chỉ là những mẩn đỏ li ti, sau có xuất hiện những mụn nước. Tiến triển của bệnh nặng hơn sẽ làm vùng da nổi lác bị mẩn đỏ, nứt nẻ, rịn nước, đóng mày và tróc vảy.
- Đây là bệnh có thể tái đi tái đi nếu điều kiện chăm sóc bé không tốt.
- Để phòng ngừa, nên cho bé ở nơi thoáng mát và ăn mặc sạch sẽ; vệ sinh móng tay, móng tay gọn gàng, tránh để bé dùng tay cào xướt da; dùng những dung dịch làm sạch da như cetaphil, physiogel, oilatum để tắm rửa hàng ngày cho bé; sau mỗi bữa ăn nên dùng một khăn sạch lau rửa cẩn thận vùng mặt và cổ bé; tránh cho bé tiếp xúc với chó, mèo; khi đã phát bệnh tốt nhất nên tránh cho bé dùng những thực phẩm có thể làm bệnh trầm trọng hơn như gan, mỡ động vật hoặc trứng.
- Đặc biệt, khi chưa có chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý dùng thuốc uống hoặc thoa để tránh làm bệnh nặng hơn.
4/ Ghẻ ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ
Ghẻ là một bệnh ngoài da có nguyên nhân từ vi khuẩn. Do đó nó có thể lây lan nhanh khi từ những nốt đỏ chúng có thể vỡ và rỉ dịch ra ngoài. Bệnh có biểu hiện là những nốt mụn đỏ, sau đó vỡ ra, rỉ nước trong một vài ngày và đóng vảy, thường xuất hiện ở vùng mặt, nhất là quanh mũi và miệng. Bệnh dễ lây và thường có nguyên nhân do vi khuẩn.
Tốt nhất là hãy tập cho trẻ có thói quen vệ sinh tay chân thường xuyên trong ngày và tắm rửa sạch sẽ sau mỗi lần vui chơi.
5/ Mụn nhọt li ti ở trẻ sơ sinh tháng đầu
- Mụn nhọt có nguyên nhân từ tụ cầu dẫn đến viêm toàn bộ các tổ chức xung quanh nang lông. Ban đầu, mụn chỉ hơi sưng tấy, dần dà vết sưng to dần lên, tạo mũ bên trong và khiến đau nhức tại chỗ. Khi mụn nhọt đã mềm và vỡ ra chúng có thể để lại sẹo.
- Để tránh nổi mụn nhọt, trẻ nên hạn chế dùng các thức ăn ngọt, những đồ ăn có tính nóng và sinh nhiệt. Vào những ngày nắng nóng, tránh chảy nhạy ngoài trời và phải ăn mặc thoáng mát.
- Nếu chỉ là một hai nốt, mẹ có thể dùng bã đậu xanh đắp cho trẻ như cách trị trong dân gian để giảm sưng và đét mủ.
- Trường hợp nặng nên cho bé đi khám để tìm ra nguyên nhân thực sự của bệnh.
Như vậy, với trẻ sơ sinh, phần lớn những vấn đề về da trong các tuần đầu sau sinh đều tự đến và tự đi nếu không có sự “can thiệp” quá sâu như cạy hoặc nặn dẫn đến trầy hoặc xước. Khi trẻ lớn hơn một chút, chỉ cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ và ăn mặc thoáng mát theo mùa bé có thể tránh được những phiền toái mà bệnh ngoài da đem lại.
6/ Nổi hạt kê màu trắng dưới da
Những hạt kê chính là các hạt màu trắng đục có thể nằm dưới da hoặc tạo thành những chấm trắng nổi trên các vùng da ở mũi, trán hoặc gò má hay ít hơn là trường hợp nổi ở bắp tay. Đây chính là những bã nhờn bị ứ đọng lại và chúng hoàn toàn vô hại.
Trong tất cả các trường hợp, hiện tượng này sẽ tự mất chỉ sau vài tuần. Vì thế, để tránh làm da bé ửng đỏ, mỗi khi tắm bố mẹ chỉ nên lau rửa nhẹ nhàng bằng khăn bông mềm, tránh kỳ mạnh hoặc cọ xát làm trầy xướt da của bé.
7/ Nổi phát ban ở trẻ sơ sinh
Sau vài ngày lọt lòng, trẻ sơ sinh có thể xuất hiện những mảng da đỏ với các đốt nhỏ lấm chấm tựa như nốt muỗi chích, trên đầu mỗi đốt có đầu mủ vàng. Đây chính là hiện tượng phát ban đỏ.
Thông thường phát ban xuất hiện nhiều trên mình nhưng có không ít trường hợp xuất hiện cả trên mặt và chân tay.
Cũng như những vấn đề về da sau sinh, các nốt phát ban này sẽ chóng đi chỉ sau 7-10 ngày sau sinh mà không để lại dấu vết nào. Do đó, bố mẹ không cần quá sốt ruột để rồi tự ý dùng tay nặn hoặc cạy các đốt này ra, gây đau đớn và tổn thương cho làn da của bé.
8/ Cứt trâu, ghẻ trên đầu ở trẻ sơ sinh
Cứt trâu theo cách gọi dân gian thực chất là hiện tượng tăng tiết bã nhờn ở trẻ nhỏ. Trên da đầu hoặc chân mày của bé sẽ xuất hiện những mảng vẩy màu vàng hơi nâu hoặc trắng. Nếu xuất hiện sau tai, thường sẽ thấy những mảng vảy có vết nứt. Đây là hiện tượng rất phổ biến và không gây hại hoặc khó chịu cho bé.
Để xử lý, mẹ có thể thoa một lớp dầu oliu lên đầu bé khoảng nửa tiếng trước khi gội để các lớp này tự bong tróc ra. Khi tắm dùng khăn bông mềm lau nhẹ các mảng đã tróc. Khi lau khô đầu bé, dùng một khăn bông khô vỗ nhẹ để phủi các lớp bong tróc đi.
9/ Bớt xanh, tím sau khi sinh
Một số bé sau sinh trên vùng bẹn, mông hoặc bắp tay, cánh tay, chân có xuất hiện những vết bớt màu xanh hoặc tím. Đó là kết quả của sự ứ đọng các tế bào melanocyte ở lớp biểu bì của da mà ra. Chỉ cần qua một thời gian, chúng sẽ tự lặn đi và không để lại dấu vết gì. Trường hợp những vết bớt có nhúm lông hoặc nổi cộm trên bề mặt da có thể là dấu hiệu của những bệnh lý nguy hiểm cần được thông báo cho các bác sĩ.
10/ Dịch nhớt bám ngoài da trong 48 tiếng đầu ở trẻ sơ sinh
Sau khi mỗi đứa trẻ chào đời, lớp thượng bì trên cấu trúc da sẽ bong ra nhằm bảo vệ cho cơ thể của bé tránh bị hạ nhiệt đột ngột đồng thời có công dụng như một lá chắn giúp trẻ miễn dịch. Với những người lần đầu làm mẹ thường nhầm tưởng đó là dịch bẩn và cố làm sạch chúng đi để vệ sinh cho bé. Tuy nhiên, hành động sai lầm này có thể khiến da bé dễ bị kích ứng và hăm đỏ. Tốt nhất, hãy đợi qua 48 tiếng sau sinh, mẹ hãy lau sạch dịch này để bảo vệ an toàn cho da bé.
Do cấu trúc da của trẻ sơ sinh chỉ là một lớp mỏng, có tính xốp lại chứa nhiều nước. Trong khi đó các sợi cơ lại ít đàn hồi nên cực kỳ nhạy cảm. Bố mẹ chăm sóc bé phải hết sức chú ý điều này để tránh những việc làm vô ý tổn thương đến làn da mỏng manh của bé.
Da trẻ sơ sinh rất mỏng, nhạy cảm và dễ bị dị ứng với môi trường bên ngoài nhất là giai đoạn đầu đời do đó bệnh ngoài da là việc khó tránh khỏi với các bé, đặc biệt là vào mùa nóng. Do đó mẹ không nên quá lo lắng, vì dần dần da trẻ sẽ thích nghi với môi trường, sẽ ít bệnh hơn, mau khỏi hơn mẹ nhé!
Để lại một bình luận
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.